Cơ hội cho Việt Nam từ đăng cai ASIAD

10:03 Thứ hai 31/03/2014

Đăng cai tổ chức ASIAD 18 vào năm 2019 sẽ giúp Việt Nam nâng cao vị thế trên trường quốc tế, đồng thời cũng thu những lợi ích không nhỏ về KT-XH.

Tháo gỡ được bài toán kinh tế

Vấn đề được dư luận quan tâm nhất trong việc đăng cai tổ chức ASIAD chính là số tiền nhà nước phải bỏ ra để xây dựng sân đua xe đạp lòng chảo tiêu chuẩn. Tuy nhiên, những khúc mắc của vấn đề đã được giải quyết. Dựa theo chủ trương của chính phủ cho phép xã hội hóa - liên doanh xây mới các công trình tại Khu LHTTQG Mỹ Ðình, ngành thể thao đã kết nối và đạt được thỏa thuận về việc liên doanh với nhà thầu Sports Platform của Hàn Quốc để xây dựng một sân đua xe đạp lòng chảo đạt tiêu chuẩn quốc tế trị giá 250 triệu USD, cùng một tổ hợp khách sạn 5 sao với kinh phí tương ứng. Phía Việt Nam chỉ phải đóng góp 30% bằng mặt bằng đã được giải tỏa sẵn tại Mỹ Ðình. Các hạng mục này trước hết nhằm phục vụ đăng cai ASIAD rồi sau đó tiếp tục khai thác trong tương lai. Một điểm rất đáng chú ý là Chính phủ có thể xem xét cho phép thí điểm tổ chức đặt cược đua xe đạp lòng chảo tại đây.

Cả nước hiện chỉ có duy nhất Sân vận động Mỹ Đình là đạt chuẩn khu quốc tế. Đăng cai ASIAD, sẽ khiến chúng ta có thêm nhiều công trình lớn khác, từ nguồn xã hội hóa.

Đây là một điểm nổi bật trong công tác chuẩn bị cho ASIAD sắp tới. Thứ nhất, đây là dự án thể thao đắt giá nhất của Việt Nam từ trước đến nay, với tổng kinh phí đầu tư kỷ lục, vượt xa mọi công trình khác, kể cả SVÐQG Mỹ Ðình. Thứ hai, dự án này được xã hội hóa 100% theo phương thức liên doanh với nước ngoài. Thứ ba, lần đầu tiên tính đến việc cho phép thí điểm cá cược thể thao tại Việt Nam, với môn tiên phong là xe đạp.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao Vương Bích Thắng: “Việc liên doanh với đối tác Hàn Quốc xây dựng, khai thác xây dựng sân đua xe đạp lòng chảo chính là một điểm nhấn theo hướng mới, trước hết là phục vụ cho Asian Games 2019, rồi từ đó tạo ra những cú hích quan trọng cho phát triển”.

Đối với các hạng mục khác phục vụ cho ASIAD, nguyên Phó Chủ nhiệm UBTDTT Đoàn Thao cho biết, Việt Nam sẽ không phải chịu nhiều tốn kém bởi chúng ta có một hệ thống cơ sở vật chất để lại từ SEA Games 22 và Asian Indoor Games 3, chỉ cần đầu tư nâng cấp, sửa chữa là có thể tận dụng được. Ông cũng cho biết thêm, OCA cũng không yêu cầu Việt Nam phải xây những công trình tốn kém như sân vận động. Vì thế nếu tận dụng tốt cơ sở vật chất sẵn có tại Hà Nội và các tỉnh lân cận như Nam Định, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Hải Phòng... Việt Nam thể tổ chức một kỳ Đại hội thành công mà không tốn kém.

Chuyên gia Graham Ellis, Giám đốc Visionby Russell Partnership (một công ty của Anh đã tư vấn cho London Olympics năm 2012, Sochi Olympics năm 2014) đang khảo sát về công tác chuẩn bị cho ASIAD tại Việt Nam đánh giá: “Việt Nam có 6 năm để chuẩn bị cho ASIAD năm 2019. Hiện tại, Việt Nam đang có một sự khởi đầu tốt hơn rất nhiều so với các địa điểm đã từng tổ chức các sự kiện tương tự. Hiện nay tôi thấy 80% các cơ sở vật chất đã có sẵn và giờ các bạn chỉ cần xác định các phương án để sử dụng các cơ sở vật chất đó một cách sáng tạo và tiết kiệm”.

Nâng cao vị thế Việt Nam

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương trong phiên giải trình ngày 18/3 cho rằng, nếu xin rút lui trong hoàn cảnh này sẽ gặp nhiều bất lợi, đặc biệt là quan hệ ngoại giao và hình ảnh đất nước. Việc tổ chức Đại hội làm được nhưng cần đảm bảo phương án triển khai tiết kiệm và tận dụng triệt để những điều kiện cơ sở vật chất sẵn có và phải chấp nhận một tỷ lệ tốn kém nhất định.

GS.TS Dương Nghiệp Chí – người từng phục vụ 8 đời thủ trưởng Ngành TDTT (các Bộ trưởng, Tổng cục trưởng) phân tích “Chúng ta luôn muốn hội nhập với thế giới thì cũng phải có trách nhiệm với phong trào chung, đừng xem việc đăng cai Asian Games là một gánh nặng rồi tìm cách đẩy gánh nặng đấy cho các nước khác. Nếu giờ chúng ta rút lui thì bạn bè châu lục sẽ nhìn chúng ta bằng ánh mắt như thế nào, uy tín của đất nước sẽ ra sao? Đầu tư cho thể thao là đầu tư cho con người, những công trình thì còn đó với thời gian, cho con cháu chúng ta sử dụng, còn những giá trị về tinh thần, chấn hưng sức mạnh tinh thần của một dân tộc thì không thể lượng hóa được”.

Ông Lê Như Tiến, Phó Chủ tịch Ủy ban văn hóa, giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng (VHGDTNTN&NĐ) của Quốc hội khẳng định, đăng cai ASIAD “chính là uy tín quốc gia và chúng ta đã cam kết với quốc tế rồi. Đây chính là thể diện quốc gia, khi đăng cai ASIAD rồi thì nó cũng sẽ có nhiều lợi ích kép như nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, qua đó tăng cường sự cọ sát của các vận động viên, huấn luyện viên, nhà quản lý”.

Việt Nam đang trên con đường hội nhập với thế giới, sự kiện thể thao ASIAD sẽ là một cơ hội tuyệt vời để Việt Nam quảng bá hình ảnh với các nước trong khu vực và trên thế giới. Với việc có mặt của đoàn thể thao từ 45 năm nước khu vực châu Á và cùng với đó là các hãng thông tấn, báo chí lớn thì ASIAD sẽ là cầu nối để Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

Lợi ích về mặt kinh tế - xã hội

Theo nghiên cứu của chuyên gia Evangelia Kasimati trong bài phân tích “Góc độ kinh tế và những Olympic mùa hè” đăng trên Tạp chí Quốc tế Nghiên cứu Du lịch đã đưa ra những lợi ích kinh tế từ việc đăng cai tổ chức các sự kiện thể thao: “Mặc dù phải bỏ khoản tiền khổng lồ để đầu tư vào cơ sơ hạ tầng cho sự kiện thể thao nhưng nước chủ nhà cũng thu được lợi ích không hề nhỏ. Trong đó, những lợi ích dài hạn một thành phố có thể thu lợi từ việc đăng cai tổ chức sự kiện thể thao là: xây dựng các cơ sở hạ tầng mới, tạo hứng khởi đối với người dân, tăng vị thế quốc tế, thu hút nhiều hơn khách du lịch, cải thiện về an sinh xã hội và tạo việc làm, thu hút đầu tư”.

Ông Wei Ji Zhong, Phó Chủ tịch danh dự OCA cho rằng đăng cai ASIAD là cơ hội không chỉ cho thể thao Việt Nam mà cả sự phát triển của đất nước. Nếu việc đăng cai ASIAD đã được người dân đồng tình, ủng hộ thì bất kỳ chính sách phát triển gì sau đó do Chính phủ đưa ra cũng tạo được uy tín. Chính vì vậy, chính phủ nên nắm lấy cơ hội đăng cai ASIAD để thúc đẩy phát triển các lĩnh vực khác trong đời sống của đất nước. Ông Wei cho biết thêm, Chính phủ nên đưa dự toán kinh phí cho việc đăng cai ASIAD từ rất sớm để người dân nhìn thấy những ích lợi họ được hưởng sớm từ những công trình phúc lợi này. Cơ hội chỉ đến một lần, khó khăn chỉ là tạm thời. Cái đạt được là lợi nhuận lâu dài cho cả những thế hệ mai sau.

Ông Theodore Young Lee, Giám đốc Mastpro Group (Canada), một công ty có kinh nghiệm làm việc với chính phủ và các nhà đầu tư để thực hiện các dự án liên quan tới đầu tư trực tiếp nước ngoài đưa ra ví dụ: “Tôi đã ở Việt Nam hơn 1 năm, tôi làm việc cùng những người chịu trách nhiệm để giúp Việt Nam tổ chức ASIAD 2019. Trước khi tổ chức ASIAD năm 1986, Hàn Quốc là một đất nước ít người biết đến. Thông qua ASIAD, Hàn Quốc đã xây dựng nhiều công trình thể thao và sau đó đã biết cách tận dụng để biến chúng thành động lực phát triển kinh tế, trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu về công nghệ, thể hiện được văn hóa của mình thông qua các phương thức khác nhau. Vancouver (Canada) là một thành phố đá phát triển nhưng vẫn tận dụng cơ hội tổ chức Thế Vận Hội Mùa Đông để phát triển hơn nữa”.
 
Thanh Liêm | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục