Chuẩn bị cho ASIAD 18-2019: Dành cơ chế đặc biệt cho lớp trẻ

08:19 Thứ hai 02/09/2013

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Lâm Quang Thành đã khẳng định như vậy khi bàn về hướng đầu tư cho các VĐV trẻ, nhằm mục tiêu xây dựng lực lượng tinh nhuệ cho ASIAD 18 - Hà Nội - 2019.

Cơ sở tạo niềm tin cho định hướng ấy chính là thành công mà Đoàn Thể thao Việt Nam (TTVN) vừa giành được tại Đại hội Thể thao trẻ Châu Á lần thứ 2 - 2013 (AYG2) vừa qua (5 HCV, 4 HCB, 2 HCĐ). Ông Lâm Quang Thành đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về vấn đề này.

- Thưa ông, nếu so với thành tích 2 HCB, xếp thứ 14/38 đoàn mà ta giành được ở kỳ đầu tiên năm 2009, thành tích Đoàn TTVN vừa giành được tại AYG2 vừa qua thực sự rất ấn tượng. Ông đánh giá thế nào về chuyến du đấu này?

- Với AYG2, chúng tôi coi đó là đợt rà soát lực lượng trẻ, phát hiện tiềm năng VĐV ở từng môn nhằm quy hoạch dài hạn cho ASIAD 2019. Qua Đại hội này, thành tích của các VĐV trẻ ở các môn Olympic cơ bản như bơi, điền kinh, cử tạ, quần vợt… thực sự rất tốt. Tuy nhiên, một số môn khác như cầu lông, bóng bàn, kiếm, judo, bắn súng trẻ, VĐV của ta vẫn còn ở khoảng cách xa so với các cường quốc trong khu vực.

Kình ngư Ánh Viên - gương mặt triển vọng của thể thao Việt Nam tại ASIAD 18 - 2019.

- Dẫu sao, việc vươn lên vị trí thứ 7/45 nước trong bảng xếp hạng toàn đoàn của Đại hội cấp châu lục thực sự là một thành tích đáng nể. Theo ông, đâu là những nhân tố quyết định làm nên chiến tích này? Ông ấn tượng nhất với tấm huy chương nào? Vì sao?

- Nhân tố quyết định chính là sự đầu tư mạnh mẽ, tới nơi tới chốn. Những cá nhân xuất sắc như Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi), Lý Hoàng Nam (quần vợt) đều được đầu tư trọng điểm và đã cho thấy hiệu quả thực sự. Trong khi đó, nhiều VĐV trẻ của ta đang tập tại 4 trung tâm huấn luyện lớn (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ) rất có tiềm năng, nhưng thời gian qua chưa được đầu tư đúng mức nên còn nhiều hạn chế. Đó là bài học quý giá cho việc đầu tư đào tạo trẻ trong tương lai.

Trong các gương mặt xuất sắc, nổi bật là Ánh Viên, người đã mang về cho đoàn TTVN 3 HCV, 1 HCB. Tiếp đó là Nguyễn Thị Trúc Mai (HCV nhảy xa nữ). Ngoài ra, có 2 tấm HCB thực sự rất giá trị. Đó là HCB của Nguyễn Thị Lan (nội dung 100m rào) và Trần Thị Thắm (2.000m vượt chướng ngại vật). Tôi tin, nếu được quan tâm đầu tư đúng hướng thì các em còn tiến xa. Nhưng, với tôi, ấn tượng nhất chính là HCV môn quần vợt của Lý Hoàng Nam. Tay vợt trẻ này đã thể hiện kỹ thuật rất tốt, tâm lý vững vàng.

- Ông có thể “bật mí” trong Đại hội này, đâu là khoảnh khắc khiến ông lo lắng nhất và hạnh phúc nhất?

- Tôi lo nhất là khi Ánh Viên bị trượt chân, xuất phát không tốt ở nội dung 100m ngửa, để tuột HCV. Hay khi Trúc Mai thi nhảy ba bước, đang tràn đầy hy vọng giành HCV thứ hai thì bị rách cơ. Đó thực sự là bài học cho các nhà chuyên môn, phải xem xét kỹ quá trình khởi động chuẩn bị thi đấu của VĐV.

Còn khoảnh khắc hạnh phúc nhất là khi nhìn bảng xếp hạng toàn đoàn biến chuyển ở ngày thi đấu cuối cùng, đoàn TTVN vươn lên vị trí thứ 7. Rõ ràng, TTVN đang dần có chỗ đứng ở Châu Á, tạo đà tự tin chuẩn bị đăng cai ASIAD 18 - 2019.

- “Đi cho biết người biết ta” cũng là một mục tiêu quan trọng của đoàn TTVN trong tiến trình chuẩn bị lực lượng và công tác tổ chức cho ASIAD 18 - Hà Nội - 2019. Vậy, nhìn lại AYG2, ông đánh giá thế nào về lực lượng VĐV trẻ của ta? Chúng ta nên định hướng đầu tư thế nào cho lực lượng trẻ hiện tại?

- Tuy một số môn còn khoảng cách khá xa so với châu lục, nhưng có thể khẳng định TTVN có nhiều gương mặt tiềm năng; các VĐV trẻ ngày càng tự tin, có tâm lý vững vàng, không ngán ngại đối thủ. Quan trọng nhất là đầu tư mạnh tay và dài hơi cho các em. Ngành sẽ chọn lọc kỹ, tuyển chọn hơn 100 VĐV trẻ ở một số môn có khả năng giành HCV ASIAD, dành cho họ cơ chế đặc biệt thông qua Đề án đào tạo VĐV cho ASIAD 18 - 2019 mà chúng tôi sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trong 6 năm tới, các VĐV sẽ được tham gia chương trình tập huấn dài hạn ở nước ngoài, được đầu tư về y học, dinh dưỡng… Số VĐV trẻ của các môn khác, Tổng cục TDTT sẽ giao các địa phương, Liên đoàn phối hợp đầu tư. Chỉ cần xác định rõ môn, nội dung có huy chương và đầu tư hết mức có thể thì chắc chắn sẽ có thành công.

- Theo ông, Hà Nội - Việt Nam đăng cai ASIAD 2019, chúng ta học hỏi được gì từ công tác tổ chức AYG2?

- Qua AYG2, chúng ta có thể hình dung rõ hơn quy trình tổ chức một đại hội thể thao tầm cỡ châu lục. Sắp tới, những người làm thể thao còn có thêm đợt học tập rất quý giá tại ASIAD 17-2014 ở Incheon (Hàn Quốc). Không ngại học hỏi, chúng ta hoàn toàn có thể đăng cai thành công ASIAD 18 - 2019.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Mai Hoa | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục