Chiến lược phát triển Bóng Đá Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030

21:05 Thứ sáu 17/02/2012

Sáng nay (17/2), tại trụ sở VFF, Tổng cục TDTT (Bộ VH-TT-DL) tổ chức hội thảo đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo “Chiến lược phát triển BĐVN đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”.

Ông Phạm Văn Tuấn, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục TDTT. Ảnh: Đức Cường

Hội thảo đã nhận được sự quan tâm và đóng góp ý kiến các chuyên gia kỳ cựu, các lãnh đạo LĐBĐVN qua các thời kỳ như ông Dương Nghiệp Chí, ông Đoàn Văn Xê , ông Mai Liêm Trực, ông Trần Bảy, ông Lê Thế Thọ, ông Nguyễn Sỹ Hiển, ông Ngô Tử Hà, Mai Đức Chung… Bên cạnh đó, hội thảo cũng có sự tham dự của đại diện Văn phòng Chính phủ, đại diện Ban tuyên giáo Trung ương, đại diện Bộ Nội Vụ và đại diện các cơ quan thông tấn báo chí tại Trung ương và Hà Nội.

Tại hội thảo, các đại biểu đã nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề phát triển nguồn nhân lực cho bóng đá, bởi đó là tiền đề tạo nên sự phát triển vững chắc. Trong bóng đá, hệ thống đào tạo trẻ đóng vai trò then chốt trong việc phát hiện và bồi dưỡng những tài năng bóng đá. Nói về vấn đề này, GS Dương Nghiệp Chí (nguyên Chủ tịch VFF khóa 1) đóng góp ý kiến: “Phổ cập bóng đá trong các trường tiểu học, THCS. không chỉ là có hi vọng để phát hiện ra tài năng bóng đá, mà từ đó sẽ góp phần nâng tầm vóc thể hình, thể lực cho chính các cháu. Bởi người dân Việt Nam rất yêu bóng đá, nếu các học sinh tập bóng đá từ bé sẽ giúp các em có điều kiện thể hiện tài năng, khơi gợi niềm đam mê của mình”.

Đồng quan điểm với GS Dương Nghiệp Chí, ông Mai Liêm Trực (nguyên Chủ tịch VFF khóa IV), chia sẻ: “Bóng đá phong trào cần được đẩy mạnh, vì trẻ em bây giờ ít được chơi bóng do các sân bãi không còn nhiều. Ngày trước, chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An từng chỉ đạo tất cả các xã trong tỉnh phải có sân bóng đá, để tạo sân chơi cho trẻ em, từ đó chắp cánh cho các tài năng. Chứ hiện tại, suốt ngày các em bị cuốn vào chơi game, như thế thì trẻ em phát triển không lành mạnh”.

Đề cập đến vấn đề tài chính để đảm bảo sự phát triển bóng đá, GS Dương Nghiệp Chí bày tỏ: “Để bóng đá phát triển thì bên cạnh việc vừa nâng cao trình độ chuyên môn thì việc kinh doanh dịch vụ bóng đá cần được đẩy mạnh. Đây là khâu quan trọng của nền bóng đá chuyên nghiệp. Xã hội hóa bóng đá là đúng nhưng phải kết hợp với kinh doanh dịch vụ”.

Trong khi đó, ông Ngô Tử Hà (nguyên phó Chủ tịch VFF khóa 3) và ông Mai Đức Chung (nguyên Trưởng bộ môn bóng đá-Tổng cục TDTT) đều chú trọng vào việc xây dựng, mở rộng hệ thống cơ sở vật chất trong bóng đá. Ông Ngô Tử Hà cho biết: “Để đá bóng thì nhất thiết phải có cơ sở vật chất, tức là các SVĐ. Chúng ta nên rà soát lại ở các địa phương có bao nhiêu sân đảm bảo chấn lượng. Nếu xuống cấp thì sửa sang hoặc xây mới, như thế sẽ giúp các VĐV được tập luyện trong mỗi trường chất lượng, chuyên nghiệp ngay từ tấm bé”.

Bên cạnh đó, vấn đề nâng cao chất lượng cầu thủ, HLV, trọng tài cũng nhận được nhiều sự quan tâm từ các chuyên gia. Ông Mai Đức Chung bộc bạch: “Tăng cường giáo dục tư tưởng từ đó giúp cho đội ngũ HLV, cầu thủ, trọng tài biết rõ được nhiệm vụ, làm việc chuẩn và tốt hơn. Muốn có VĐV giỏi cần có HLV giỏi, có tư cách, tư tưởng tốt, yêu nghề. Và đặc biệt, để bóng đá phát triển cần đầu tư cho y học thể thao, chế độ dinh dưỡng để nâng cao thể lực, thể hình cho VĐV”.

Trên tinh thần cầu thị, lắng nghe các ý kiến của các chuyên gia, ông Phạm Văn Tuấn (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT) cho biết: “Những ý kiến đóng góp của các chuyên gia rất quý báu cho hội thảo này. Trong thời gian tới, ban soạn thảo sẽ ghi nhận những ý kiến này và thấy việc gì chưa hoàn chỉnh, thiếu sót sẽ bổ sung vào dự thảo. Ngày 23/2, chúng tôi sẽ tổ chức hội thảo tại phía Nam, sau đó tập hợp mọi ý kiến để hoàn chỉnh trước khi trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo này vào quý 2 năm 2012”.

Các giai đoạn thực hiện chiến lược phát triển BĐVN

1. Giai đoạn 2012-2016

-Hoàn thiện cơ chế điều hành bóng đá chuyên nghiệp; tiếp tục mở rộng diện áp dụng quy chế bóng đá chuyên nghiệp.
-Thử nghiệm và đưa vào áp dụng quy trình tuyển chọn, đào tạo, đánh giá trình độ của VĐV bóng đá từ năng khiếu đến đội tuyển tập trung. Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về BĐVN
-Triển khai thí điểm chương trình phát triển bóng đá học đường
-Hình thành các trung tâm đào tạo bóng đá trẻ cấp quốc gia và tại một số địa phương có điều kiện phát triển bóng đá.

Thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm
+Đề án quy hoạch phát triển BĐVN giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn 2030
+Đề án đào tạo lực lượng VĐV bóng đá trẻ kế cận giai đoạn 2012-2020
+Đề án thí điểm cá cược bóng đá
+Đề án thành lập quỹ phát triển BĐVN

2. Giai đoạn 2016-2020

-Hoàn thiện hệ thống đào tạo VĐV trẻ ở tất cả các tuyến; đưa các giải đấu trẻ vào hệ thống thi đấu bóng đá quốc gia
-Ap dụng đại trà phương thức huấn luyện, quản lý bóng đá hiện đại, có sự hỗ trợ của khoa học công nghệ, y học thể thao
-Nâng cao đội ngũ HLV, trọng tài; hoàn thiện học viện bóng đá trên cơ sở trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam
Các chương trình, dự án trọng điểm
+Chương trình mục tiêu “top 10 châu Á”
+Dự án xây dựng học viện bóng đá

3. Giai đoạn 2012-2030:

các chương trình, dự án trong giai đoạn này được xây dựng trên cơ sở tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện của các chương trình, dự án đã được triển khai giai đoạn trước

Ngọc Anh | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục