Champions League và những điều không bao giờ thay đổi

12:09 Thứ năm 20/09/2012

“Đội hình không cánh” (the wingless wonders) là một khái niệm đã đi vào huyền thoại trong làng bóng Anh, ngự trị tại đấy suốt nửa thế kỷ. Số là nước Anh bỗng dưng cạn kiệt tiền đạo cánh đúng lúc họ làm chủ nhà World Cup 1966, trong cái thời buổi mà không ai nghĩ rằng có thể chơi bóng khi thiếu các tiền đạo cánh.

Thay vì chọn đại cầu thủ tầm thường hoặc điều cầu thủ khác vào đấy, HLV Alf Ramsey bỏ luôn hai vị trí mà bóng đá Anh tôn thờ, chuyển sang chơi với sơ đồ 4-4-2 (không có tiền đạo cánh).

Đội hình 4-4-2 đem về cho bóng đá Anh chức vô địch World Cup 1966 và từ đó được tôn thời mãi trên quê hương bóng đá. Điểm nhấn của đội hình này là các tiền vệ cánh và lối chơi tấn công ào ạt ở hai biên, do hậu vệ và tiền vệ cánh thay nhau thực hiện, lên công về thủ rất nhịp nhàng. Phải nhắc lại như thế để thấy rõ tầm quan trọng của vị trí tiền vệ cánh trong cách chơi truyền thống của bóng đá Anh. Quê hương bóng đá mà không có tiền vệ cánh thì giống như Calcio không có trung vệ hoặc Argentina không dùng tiền đạo vậy.

Tất nhiên, Manchester City có thể sổ toẹt truyền thống của bóng đá Anh. Suy cho cùng, đấy là đội bóng của một tỷ phú Arab, do một HLV Italia cầm quân, với dàn sao gồm toàn các hảo thủ đến từ khắp nơi. Mở rộng vấn đề, vai chính ở Premier League bây giờ cũng toàn do các ngôi sao nước ngoài hoặc HLV nước ngoài đảm trách. Liên kết những giá trị truyền thống của bóng đá Anh với các đội bóng nổi tiếng ở Premier League là điều lạc hậu? Không hẳn như vậy.

Có một thành phần hầu như không đổi trong bóng đá, đấy là khán giả. Nói cách khác, đấy là cái “gu” của người xem, mỗi nơi mỗi khác. Bất kể là ngôi sao đông Âu, châu Phi hay Nam Mỹ, hễ đã sang Anh chơi bóng thì phải hướng đến những giá trị bóng đá mà dân Anh tôn sùng, nếu muốn có một chỗ đứng vững chắc. Diego Forlan hoặc Juan Veron đều thất bại ở Premier League là vì vậy. Thế giới khâm phục Bryan Robson trong khi bản thân Robson lại không được tôn vinh ở Anh, cũng chỉ vì Robson hay theo cái hay “kiểu Italia” – phải chậm rãi, ngước nhìn trước khi chuyền bóng và đường chuyền phải có mục đích, chứ không hùng hục chạy và sút.

Mancini có quyền bất chấp cái “gu” của người xem, mặc kệ cả những bài báo chỉ trích, vốn đại diện cho số đông trong công luận. Nhưng nếu thế, coi như từ điển của ông không có danh từ “áp lực”. Chiến thắng áp lực, chiến thắng công luận, đều không phải là chuyện dễ! Manchester City đang thất bại với một sơ đồ và cách chơi không có tiền vệ cánh, và đấy chính là kiểu thất bại mà dân Anh “không muốn thấy”.

Kinh Thi | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục