Cầu lông Việt Nam: Nỗi buồn phía sau Tiến Minh

16:50 Thứ ba 21/02/2012

Không biết đến bao giờ cầu lông Việt Nam mới có được bước chuyển biến mạnh mẽ và bao giờ mới có được một Nguyễn Tiến Minh thứ hai.

Tay vợt số 1 của cầu lông Việt Nam, Nguyễn Tiến Minh vừa có đợt thi đấu khá ấn tượng tại vòng loại Thomas&Uber Cup, nhất là sau khi đánh bại tay vợt hạng ba thế giới Chen Long (Trung Quốc) ở giải đấu này. Vui vì Tiến Minh “bay cao” trở lại, nhưng càng tự hào với Tiến Minh bao nhiêu thì người hâm mộ lại càng lo lắng bấy nhiêu với khoảng trống mênh mông phía sau tay vợt này.

Tay vợt Nguyễn Tiến Minh

Kết quả sớm dừng cuộc chơi của cả đội nữ và nam tại Thomas&Uber Cup cùng sự đơn độc của Tiến Minh ở giải đã phản ánh rõ nét thực trạng của cầu lông Việt Nam hiện nay.

Rõ ràng, quân số các đội trên cả nước không phải là ít. Từ vài năm trước khi Tiến Minh đặt dấu ấn trên đấu trường quốc tế với thành tích và thu nhập cao, phong trào tập luyện và thi đấu cầu lông đã diễn ra rộng khắp ở các địa phương.

Hiện tại, có đến 3 trung tâm đào tạo VĐV trẻ ở Từ Sơn (Bắc Ninh), Cần Thơ và Đà Nẵng, chưa kể đến 2 trung tâm lớn là Hà Nội và TP HCM. Giải VĐQG hay các tay vợt xuất sắc thường xuyên thu hút tới 60-80 tay vợt tham gia.

Làng cầu lông Việt cũng không thiếu các tài năng trẻ, thậm chí một số gương mặt được xem là có khả năng kế thừa Tiến Minh như Hoàng Nam, Phương Nam, Bằng Đức, Mạnh Thắng (nam) và Vũ Thị Trang, Phương Nhi, Hà Anh ở giải nữ… Tuy nhiên, những tay vợt này đến giờ vẫn chưa có nhiều đột biến.

Thử đi tìm nguyên nhân, không ít người cho rằng, cái thiếu và yếu nhất hiện nay của cầu lông Việt Nam là thiếu những người có chuyên môn giỏi để đề ra chương trình thi đấu hợp lý. Ngay đội ngũ HLV tài năng cũng rất hiếm.

Một nhà chuyên môn từng bật mí: “Cả nước hiện nay chỉ mới có hai HLV học được bằng cấp 2 châu á, đều thuộc của TP HCM là Nguyễn Thế Huy và Nguyễn Anh Hoàng. Các trung tâm đào tạo thì nhiều nhưng huấn luyện các VĐV trẻ thì được chứ yêu cầu lên cao hơn là đuối”. Chính vì thế, thuê chuyên gia giỏi để huấn luyện đội tuyển quốc gia và ở cấp địa phương được coi là giải pháp hữu hiệu để khắc phục khó khăn này.

Tuy nhiên, không phải phía Liên đoàn, Tổng cục TDTT và địa phương lúc nào cũng làm được và đạt hiệu quả như mong muốn. Năm 2011, Liên đoàn cầu lông Việt Nam đã lên hẳn lộ trình cử Vũ Thị Trang, gương mặt trẻ đến từ Bắc Giang từng bất ngờ đoạt HCĐ tại TVH Olympic trẻ 2010 tham dự gần 10 giải quốc tế quan trọng trong năm, đồng thời mời chuyên gia Đan Mạch với mức lương 2.000 USD/tháng cho Trang và các VĐV trẻ khác. Nhưng sau khi vị chuyên gia Đan Mạch sang Việt Nam huấn luyện được một thời gian thì ngưng giữa chừng. Kết quả, dù thi thoảng vẫn được cử tham gia các giải quốc tế, nhưng trình độ của Trang và các tay vợt trẻ cũng chưa có những bước đột phá đáng kể.

Cũng trong năm 2011, TP HCM tỏ ra “chịu chi” khi chấp nhận bỏ ra khoản lương 5.000 USD/tháng để thuê HLV Asep Suharno (Indonesia), vốn rất có uy tín trong làng cầu lông quốc tế, huấn luyện cho Tiến Minh và VĐV của thành phố.

Nhưng kể từ sau khi vị chuyên gia này chia tay đội TP HCM và về nước, Tiến Minh và đồng đội vẫn chưa có được HLV ngoại dẫn dắt. Nghe đâu, trong kế hoạch năm 2012, dù đặt mục tiêu giành quyền tham dự Olympic nhưng Tiến Minh chủ yếu tập trung thi đấu ở các giải quốc tế, chứ HLV ngoại khả năng cũng không có.

Nghe tay vợt này than thở "tôi cần 1-2 tay vợt có đẳng cấp quốc tế để làm quân xanh” mà thấy buồn cho cầu lông Việt Nam. Với thực trạng như hiện nay, không biết đến bao giờ cầu lông Việt Nam mới có được bước chuyển biến mạnh mẽ và bao giờ mới có được một Nguyễn Tiến Minh thứ hai.

Thảo My | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục