Câu chuyện về bóng đá vùng Vịnh: Đến Maradona cũng không giúp nổi!

09:15 Thứ bảy 25/02/2012

Abu Dhabi lâu nay nổi tiếng thế giới bởi sự giàu có và hào nhoáng của mình, tuy nhiên thời gian gần đây nó được người ta nhắc đến nhiều hơn trên khía cạnh bóng đá.

Thiên đường ở vùng Vịnh

Al-Nahyan là 1 trong 4 sân vận động (SVĐ) lớn ở Abu Dhabi và Al Wahda, đội bóng hiện đang thi đấu ở giải Vô địch quốc gia Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, UAE Pro-League. Những ánh đèn điện SVĐ lấp loáng sau những tòa nhà chọc trời mà người ta có thể dễ dàng nhận thấy từ xa chính là một hình ảnh có tính biểu trưng của bóng đá Vùng Vịnh trong con mắt thế giới lúc này: Một khu vực với nền tảng tài chính “không đáy”, những ngôi sao (tất nhiên phần nhiều là “hết đát”) và sẵn sàng đẩy cả thế giới bóng đá nghiêng theo trục của mình thông qua sự bành trướng mạnh mẽ được hậu thuẫn và bôi trơn bằng dầu mỏ.

Các tin tức về bóng đá ở đây cũng ngày một hấp dẫn hơn. Đầu năm nay, Diego Maradona đã được trả 10 triệu USD để về làm huấn luyện viên (HLV) trưởng của CLB Al-Wasl. Năm ngoái, Sunderland cũng chấp nhận lời đề nghị 6 triệu bảng để Asamoah Gyan sang chơi cho Al Ain theo một bản hợp đồng cho mượn có thời hạn 1 năm. Còn tại Al-Nahyan, Chủ nhật vừa qua người ta chứng kiến nhà cựu vô địch World Cup 2006 34 tuổi Luca Toni có màn ra mắt người hâm mộ Al-Nasr, câu lạc bộ (CLB) hiện cũng đang được dẫn dắt bởi một người Italia nổi tiếng khác – Walter Zenga.

SVĐ ở đây thật không chê vào đâu được: Cảnh sắc ấn tượng, nhân viên phục vụ chuyên nghiệp và đông đảo, bên ngoài sân ốp đá cẩm thạch lộng lẫy. Trên thực tế lối đi dẫn vào sân cũng lung linh chẳng kém lối vào cung điện là mấy. Nhưng, chính xác thì chúng ta đang ở đâu?

Bóng đá UAE cần những người mang tính biểu trưng Diego Maradona để tự lăng-xê- Ảnh Getty

Giải vô địch UAE Pro-League không hào nhoáng như vẻ ngoài của nó, thậm chí là đầy rắc rối. Bản thân Maradona đã gây xáo động trong tuần vừa qua khi có tuyên bố đe dọa sẽ rời khỏi Al Wasl vì thiếu khả năng tài chính. Nhưng sang ngày hôm sau người ta lại thấy một El Diego tươi cười xuất hiện tại một cuộc họp báo, tay bắt mặt mừng với các quan chức đủ thành phần. Câu trả lời là Cậu bé vàng mới nhận được “hỗ trợ tài chính cá nhân” từ Tập đoàn Saif Belhasa. Bản thân Maradona giờ đây lại đã tuyên bố rằng ông cảm thấy lại thật “hăng hái về bình minh mới” của bóng đá Ả Rập.

Xem bóng đá trúng... xe Ferrari

Tiền chỉ là chuyện nhỏ, nhưng điều làm đau đầu các nhà tổ chức nhất là lượng khán giả đến sân ít ỏi, một vấn đề đã tồn tại từ lâu. Thậm chí, nhiều người còn được trả 10 USD chỉ để... đến sân và cổ vũ. Các trận đấu thường phải tổ chức đi kèm với việc có tặng phẩm để thu hút khán giả đến sân, có thể là những chiếc Ipad hoặc thứ gì đó tương tự. Kinh khủng hơn, trong một trận đấu ở mùa giải năm ngoái, một chiếc Ferrari đã được mang ra làm phần thưởng và kết quả là người ta đã ghi nhận được con số khán giả đến sân kỷ lục 15 nghìn người.

Con số khán giả dao động trên các khán đài SVĐ Al-Nahyan chỉ vỏn vẹn khoảng 1500 người. Trong đó, chỉ có chừng 500 CĐV Al-Wahda đích thực, những người mà sẽ hô hào, cổ vũ nhiệt tình trong suốt thời gian diễn ra trận đấu, thậm chí hò reo ngay cả khi Luca Toni mới ra khởi động để làm nóng trước khi vào sân trong cái giá rét của mùa đông sa mạc.

Giải vô địch UAE không cô đơn. Trung Quốc và Ấn Độ gần đây cũng đang đầu tư những khoản tiền lớn vào các giải bóng đá trong nước. Không nghi ngờ gì về việc bóng đá bắt đầu được đầu tư mạnh là một phần biểu hiện của sự giàu có lên về kinh tế. Cũng giống như các doanh nghiệp trong thời kỳ cách mạng công nghiệp ở Châu Âu, người Ả Rập đang sử dụng sự giàu có của mình để xây dựng và thiết kế hệ thống cơ sở hạ tầng cho riêng mình. Đó là một phần trong kế hoạch xây dựng kinh tế dịch vụ và giải trí nhằm duy trì sự thịnh vượng của đất nước sa mạc này, khi nền công nghiệp nặng đang cạn kiệt dần. Một ý tưởng vĩ đại.

Có lẽ tồn tại một chút khác biệt ở Trung Quốc, nơi mà giải VĐQG Trung Quốc Super League (giải đấu có sự tham gia Thân Hoa Thượng Hải, CLB mà tiền đạo ngôi sao Nicolas Anelka mới về đầu quân) được hậu thuẫn bởi một nền kinh tế vẫn đang tiếp tục tăng trưởng với tốc độ chóng mặt. Tuy thế, việc thu hút các cầu thủ hàng đầu tới Trung Quốc thi đấu vẫn đang là một điều khó khăn khi mà ngoài Anelka cũng chưa có thêm ngôi sao lớn nào khác đổ bộ về Đại Lục. Trong khi đó, Giải ngoại hạng Ấn Độ, mới chỉ bắt đầu từ tháng Ba, lại phải đối mặt với những hạn chế trong quản lý điều hành và vấn đề cơ sở vật chất, sân bãi. Đó hẳn nhiên là một tin không lấy gì là tốt đẹp với Fabio Cannavaro, Hernan Crespo và Robbie Fowler.

Một trong những vấn đề chính là bản chất “chắp vá” của những giải đấu mới. Ấn Độ đã có giải vô địch quốc gia cũng khá lâu, và giải Ngoại hạng được khai sinh mới đây chỉ là biến thể mới nhưng chưa hoàn thiện đặt trên cái nền tảng cũ. Giải ngoại hạng Nga, thành lập được 10 năm nay và có tất nhiên là có lợi thế hơn hẳn nhờ truyền thống bóng đá, tuy thế CLB Nga được chú ý nhất Châu Âu hiện nay là gã nhà giàu mới nổi Anzhi Makhachkala. Tuần trước, Anzhi đã bổ nhiệm Guus Hiddink làm HLV mới của đội bóng, còn trước đó họ đã biến Samuel Eto'o trở thành cầu thủ hưởng lương cao nhất thế giới bóng đá.

Xung đột của "văn hóa bóng đá"

Trên sân Al-Nahyan, hiệp hai bao giờ cũng hấp dẫn hơn. Cứ tưởng tượng xem Luca Toni dành phần lớn thời gian quay lên khán đài cự cãi với chính các CĐV nhà, những người sẵn sàng la ó ngay khi thấy không vừa lòng (những câu đại loại như "Đi ngủ đi, Toni!"), trong khi các đồng đội của anh vắt kiệt sức hòng cứu vãn một trận hòa. Trong phòng họp báo sau trận, mọi chuyện còn diễn ra "kịch tính" hơn, khi sự xung đột về "văn hóa bóng đá" giữa những người đến từ các nền bóng đá cấp tiến hơn và tình trạng không lấy gì làm tốt đẹp ở nhưng giải vô địch mới nổi tạo ra những quả bom. Đầu tiên, HLV đáng kính Josef Hickersberger của Al-Wahda xin lỗi vì đã bị đuổi lên khán đài trong hiệp hai vì phản ứng với trọng tài biên: “Đó là lỗi của tôi. Đáng ra tôi phải hiểu được "tiêu chuẩn" của trọng tài ở đây”.

Sau đó, HLV Walter Zenga, hiện dẫn dắt Al Nasr, bắt đầu nổi cơn thịnh nộ. Từ khi sang đây, ông cạo đầu, xăm hình và cũng giàu tính chiến đấu hơn thấy rõ. Khi một phóng viên đặt câu hỏi về chiến thuật nặng về phòng ngự của mình, Zenga nhát gừng: "Đây là một câu hỏi ngu ngốc". Và sau đó trừng mắt đe dọa anh phóng viên nọ: "Anh chẳng là cái quái gì ở đây cả".

Đó là những khoảnh khắc bóc trần sự chênh lệch giữa những quan niệm của các HLV được trả tiền để làm việc tại đây, và những nền tảng nghèo nàn của các giải vô địch mới nổi, dù được đầu tư rất mạnh mẽ. Và điều đang ngăn cản việc bóng đá nảy mầm ở sa mạc không phải là chuyện tiền bạc, mà chính là suy nghĩ rằng tiền bạc có thể lấp đầy nhanh chóng sự thiếu nền tảng và sử dụng nó như một công cụ tối thượng. Bóng đá cần nhiều hơn thế.
Mạnh Hùng | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục