Cẩn thận với những lời mật ngọt

20:35 Thứ bảy 11/02/2017

TinTheThao.com.vnNguyễn Hữu Anh Tài sẽ là cái tên tiếp theo của HAGL được xuất ngoại thi đấu, việc được thi đấu ở môi trường chuyên nghiệp của nước ngoài là điều tốt, nhưng có lẽ khó tránh được những băn khoăn, nhất là khi đọc những lời ca ngợi Anh Tài trên báo chí Hàn Quốc.

Những lời có cánh của một tờ báo Hàn Quốc cho Nguyễn Hữu Anh Tài có thể khiến nhiều người bất ngờ, khi họ cho rằng đây là một trong những gương mặt triển vọng nhất của bóng đá Việt Nam, sở hữu những kỹ năng phòng ngự tuyệt vời, có lối chơi thông minh,... thậm chí họ còn ví Anh Tài như hậu vệ cánh nổi tiếng của bóng đá Hàn Quốc là Lee Young-pyo.

 - Bóng Đá

 Anh Tài được sự quan tâm của một CLB Hàn Quốc.

Đành rằng lò HAGL Arsenal JMG luôn cho ra lò những cầu thủ có nền tảng kỹ thuật cơ bản rất tốt, nhưng nếu xét riêng ở hàng hậu vệ, có lẽ Anh Tài không nổi bật hẳn so với những đồng nghiệp từ các lò đào tạo khác như Viettel, PVF, SLNA,.... Hơn nữa thời gian Anh Tài thi đấu ở lứa U19 anh cũng không để lại ấn tượng nào lớn, còn tại V-League 2016, số trận được thi đấu của anh chỉ đếm trên đầu ngón tay. Với thực tế như vậy thì thật khó để có thể tán dương anh lên tầm cỡ như thế.

Nên nhớ rằng bóng đá ngày nay không đơn thuần là một môn thể thao, nó còn là một cỗ máy in tiền. Những thương vụ Xuân Trường, Tuấn Anh, Công Phượng xuất ngoại có bao nhiêu phần trăm là vì yếu tố chuyên môn? Khi Xuân Trường vừa chuyển qua Gangwon FC, thống đốc của tỉnh Gangwon đã nhanh chóng bổ nhiệm anh làm đại sứ, mong anh sẽ là cầu nối giao lưu về kinh tế, du lịch,.... Rõ ràng, thương vụ này thấm đẫm yếu tố thương mại. Nhưng Xuân Trường vẫn còn chút thành công khi vẫn giữ được phong độ, còn người đồng đội Công Phượng thì đã thất bại, sau một mùa giải ít được ra sân nhưng khá bận rộn khi được bổ nhiệm làm đại sứ, quay clip quảng cáo du lịch, đem được hợp đồng tài trợ của một hãng hàng không lớn của Việt Nam về cho CLB,... anh về nước và suy giảm phong độ một cách tệ hại.

Phải chăng các CLB Nhật Bản và Hàn Quốc đã nghiên cứu rất kỹ về bóng đá Việt Nam, họ biết rằng HAGL với lứa cầu thủ U19 năm 2014 là CLB được yêu mến nhất nước, các cầu thủ của lứa này đều được khán giả quan tâm, thế nên họ quyết định lôi kéo mạnh những cầu thủ này nhằm nhắm đến món lợi về thương mại, khi mà cơ hội thu hút khách du lịch, thị trường tiêu thụ hơn 90 triệu dân, và cộng đồng không nhỏ người Việt đang sinh sống, làm việc tại Nhật Bản, Hàn Quốc, điều cho thấy những tiềm năng kinh tế lớn. Và những bài báo ca ngợi cầu thủ, kiểu như ví Anh Tài với Lee Young-pyo, chỉ là lời nói khéo để hợp lý hóa những vụ chuyển nhượng mang nhiều tính thương mại này, thỏa mãn sự tò mò của độc giả Hàn Quốc, những người có lẽ đang rất thắc mắc về việc chiêu mộ những cầu thủ quá trẻ, ở nơi nền bóng đá còn kém phát triển.

Tuy nhiên, dù gì đó cũng là chuyện của người Hàn, người Nhật, điều quan trọng là thái độ của người Việt chúng ta như thế nào. Nếu quá phấn khích với những lời ca tụng đường mật, thì e rằng sẽ có những cầu thủ trẻ tài năng của chúng ta tiếp tục ra nước ngoài để làm “cầu nối” về quan hệ kinh tế, còn thất bại về chuyên môn.

Hãy xem người Brazil làm gì với những thần đồng của họ. Neymar khi mới nổi lên và được các CLB danh giá châu Âu dòm ngó, anh đã không sang cựu lục địa ngay mà ký gia hạn hợp đồng với CLB của mình. Tất nhiên, nhiều người sẽ xem đó chỉ là một chiêu “làm giá” nhưng có một sự thật là việc ở lại Brazil phần nào khiến Neymar chững chạc hơn khi sang châu Âu, anh tiết chế bản năng vũ công Samba của mình rất nhiều và hòa nhập vào lối chơi của Barca nhanh chóng.

 - Bóng Đá

 Công Phượng không có nhiều cơ hội ra sân ở Nhật Bản.

Một thần đồng mới của Brazil là Gabriel Jesus cũng có những bước đi gần giống như vậy, được Man City mua cách đây nhiều tháng, nhưng phải đến kỳ chuyển nhượng mùa đông ở châu Âu anh mới chính thức chuyển đến sân Etihad, sau khi tận hưởng chức vô địch Brazil. Sự tự tin của một nhà vô địch cùng lối chơi được giản lược đi sự màu mè đã khiến Jesus nhanh chóng tiến tới việc cạnh tranh vị trí với siêu sao Sergio Aguero.

Những ví dụ về người Brazil có lẽ sẽ khiến cho những người làm bóng đá ở vài CLB Việt Nam suy nghĩ lại, chúng ta có nên chậm lại một chút để suy tính kỹ càng về những trường hợp xuất ngoại của cầu thủ hay không? Nếu chỉ là cầu thủ còn nhỏ tuổi đi học việc ở các học viện bóng đá thì không sao, nhưng khi đã trưởng thành, gia nhập bóng đá chuyên nghiệp rồi thì hãy để cầu thủ cọ xát trong nước đến khi nào chững chạc hơn mới tính đến việc đi tới nền bóng đá có trình độ cao hơn.

V-League là một bệ phóng không tồi cho các cầu thủ trẻ, nếu ai nghi ngờ điều đó, hãy nhìn Văn Thanh, Văn Toàn hay Quang Hải,... tiến bộ như thế nào sau vài năm chơi V-League, sẽ rõ.

(Bạn đọc: Phan Huỳnh Tuấn)

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

Thể thao việt Nam | 19:45 11/02/2017
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục