Cầm đồ mùa EURO "vơ hụi" chót

09:13 Chủ nhật 10/07/2016

Ngày hội bóng đá châu Âu đã sắp khép lại nhưng với dân máu đỏ đen thì những ngày "hậu EURO " mới thật nhiều sóng gió. Đơn giản, xe, điện thoại… sẽ phải cho đi ở lấy tiền thanh toán nợ bóng banh...

Tha hồ ‘chém ngọt’

Trong vai một khách hàng mang chiếc xe Wave RS đi cầm đồ chúng tôi đã lượn một vòng qua những cửa hàng ở Hà Nội, đặc biệt là khu vực Đê La Thành, Hoàng Cầu, Cầu Giấy. Tại cửa hàng Hoàng Trung trên Phố Hoàng Cầu, sau khi xem chiếc xe của tôi, Bình - một nhân viên xăm trổ kín người phán: "Xe biển Bắc Ninh, cầm cho ông anh giá hữu nghị 4 củ, lãi tính 5 nghìn đồng/triệu/ngày, ông anh ưng thì làm giấy tờ luôn, cầm 20 ngày cũng được".

Các cửa hàng cầm độ đông nghẹt khách mùa EURO. Ảnh minh họa.

Tôi tính toán, rồi nói: "Nhận 4 triệu thì mỗi ngày mất 20 nghìn đồng tiền lãi cũng đơn giản. Nhưng anh muốn cầm con xe này ít nhất là 8 triệu giá cả thế nào?" Rất nhanh gọn, Bình xoay luôn: "Nếu cầm 8 củ thì lãi 10 nghìn đồng/triệu/ngày, viết giấy bán đứt, hẹn trong vòng 15 ngày phải lấy xe. Sau thời gian này mà không mang tiền đến trả thì mời ông anh ra chợ xe cũ Chùa Hà mà tìm chứ đừng đến cửa hàng em nhé! Trước mắt, anh đóng lãi trước 10 ngày, nghĩa là chỉ được nhận lại 7,2 triệu đồng".

Nghe Bình nói tôi giả vờ lưỡng lực để rút khỏi cửa hàng cầm đồ Hoàng Trung: "Thế thôi, để anh về đi quay tiền chỗ khác vậy, chứ cầm đồ thế này đắt bằng vay không thế chấp." Bình lập tức chỉ tay vào chỗ hơn 20 con xe máy đủ các loại đang xếp trong nhà phân bua: "Tầm này thì ông anh đi đâu cũng vậy thôi. Ngày nào nhà em cũng nhập vào đôi ba chục con xe, chứ có mỗi cái xe rẻ tiền của ông anh thì không nhập cũng chẳng xi-nhê gì!"

Rút khỏi cửa hàng Hoàng Trung, từ phố Hoàng Cầu chúng tôi lượn tới một cửa hàng cầm đồ khác trên phố Láng Thượng. Tôi gặp Cường "kẹo" - một chủ có tới 4 cửa hàng cầm đồ khắp thành phố. Cường cho biết: "Các cửa hàng của tôi lúc này phải hoạt động hết công suất. Có những lúc trong tay tôi ôm đến hơn 300 con xe máy đủ các loại, cửa hàng phải từ chối nhận khách vặt, lãi thấp để ôm xe đời cao đắt tiền".

Cường nói thêm sở dĩ chỉ cầm đồ xe máy, máy tính… vì không tập trung vốn quá nhiều vào món đồ nào cả, rủi ro thấp, ít phải va chạm với dân anh chị. Tính thanh khoản của các món đồ này lại cao, ít khi bị thua lỗ.

Do đã có 16 năm làm cầm đồ, nên mọi mánh mung làm ăn trong ghề cầm đồ Cường đều thành thạo: "Nếu ôm xe máy nhiều quá tôi sẽ đẩy bớt xe cho các hàng cầm đồ quen với nhau, tạo thành một hệ thống. Đương nhiên, người đến cầm đồ thì giá nào cũng phải chịu vì khát tiền!"

Cũng tại cửa hàng của Cường "kẹo", tôi có dịp tâm sự với Công – chàng trai quê Thanh Hóa và đang là sinh viên trường Cao đẳng Công nghệ Hà Nội. Vẻ mặt thất thần, Công nói: "Sau trận Pháp – Đức, em đã phải cho con xe SH bố mẹ mới mua cho đi ra tiệm cầm đồ. Xe của em 80 triệu, mà cầm kịch kim chỉ được 45 triệu, lãi lại cao lên tới 6 nghìn đồng/triệu/ngày. Tính ra mỗi ngày em gánh lãi gần 300 nghìn đồng. Nếu không có tiền nộp lãi thì chỉ sau 20 ngày coi như em mất xe. Nhưng thua kèo rồi phải có tiền trả thì trận sau mới báo được bóng mà lo gỡ. Không may thua nữa thì chỉ còn nước báo nhà mất trộm xe, chịu nghe các cụ mắng cho vài câu rồi lại mua cho con xe khác."

"Tay to" sợ rủi ro

Không "cầm đồ cỏ" mở tiệm để đợi khách, Xuân Bắc Ninh vang danh trong dân xã hội, chuyên cầm nhà đất, xe sang và dám ôm cả những dự án cỡ chục triệu đô nếu thấy ngon. Xuân cho hay: "Từ khi vào vụ EURO tôi đã bơm ra thị trường khoảng hơn 600 tỉ đồng tiền mặt cho khách hàng từ Sài Gòn, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Quảng Ninh, và Hà Nội... Trong bãi xe nhà tôi hiện có 31 chiếc, không thiếu một hãng xe sang nào và tất cả đều của khách hàng: "Cầm xe ô tô thì khả năng thanh khoản nhanh, đỡ rủi ro và động vốn. Còn cầm nhà đất thì phải là dạng bạo tay mới dám cầm. Tuy có giấy nợ mua bán công chứng đàng hoàng nhưng khi thu hồi nhà là rất khó."

Các cửa hàng cầm đồ rơi vào tình trạng quá tải trong mùa EURO. Ảnh chỉ có tính chất minh họa.

Theo dòng tâm sự Xuân kể năm ngoái có cầm 1 biệt thự của Tuấn "lốp" ở khu Việt Hưng-Gia Lâm, Hà Nội. Giao giấy tờ xong, Tuấn "lốp" nhận tiền và trốn sang Campuchia lánh nạn vì mạng bóng đá Tuấn cầm bị sập hơn 60 tỉ đồng. Tuấn đi rồi nhưng vợ con vẫn ở lại, khi Xuân cho người đến thu hồi nhà, vợ Tuấn "lốp" đòi ôm con, mua xăng đòi tự thiêu trong phòng, kiên quyết không giao nhà.

“Thà đầu gấu, thì chúng em đè chết ngay, đằng này lại đàn bà, con nhỏ, chồng nó trốn biệt tích, mình lại dồn vợ nó đến chỗ chết thì có chiếm được nhà cũng không bán được cho ai. Vậy là đành phải để nguyên cho vợ nó ở. May Tuấn "lốp" sang Cam vẫn quật lại được mấy trận bóng, có tiền về chuộc lại nhà. Chứ vợ nó cứ ở ì ra thì cũng chịu thôi, biết bao giờ thu nhà mà bán được,” Xuân nói rồi đúc kết: "Cầm đồ "tay to" lúc thu tiền thì sướng nhưng xuất tiền ra cũng đau tim lắm. Nuôi đàn em đệ tử nhiều, nuôi quan hệ nhiều thì mới làm nổi. Lãi càng cao rủi ro càng lớn nên cứ phải xong bóng đá, mới tổng kết là thắng được bao nhiêu. Chứ khi tiền còn nằm trong tay khách, mình chỉ có mớ sổ đỏ thì cũng chưa nói là ăn được!"

Khách Gia | 09:05 10/07/2016
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục