Các bác còn “đánh nhau” đến bao giờ?

15:54 Thứ ba 21/02/2012

Vụ thương quyền truyền hình đến giờ vẫn chưa chịu dừng lại khi các ông bầu đại diện cho VPF đã đẩy lên Thanh tra Chính phủ sau kết luận của Thanh tra Bộ VH-TT&DL. Hôm nay (21.2) giữa AVG và VPF sẽ có cuộc gặp gỡ và thực tế cuộc thương thảo giữa hai bên sẽ khó có sự đồng thuận khi mà suốt thời gian dài qua đã có người “u đầu” và “mẻ trán”…

Hôm qua, Phó chủ tịch HĐQT VPF Đoàn Nguyên Đức đã chính thức lên tiếng bảo vệ cho VPF và “bật mí” rất nhiều vấn đề mới lạ trong đó có việc VPF đã ký hợp đồng ghi nhớ trị giá 76 tỷ với VTV về việc bán bản quyền giải chuyên nghiệp trong vòng 3 năm.

Cảm ơn AVG vì làm bóng đá Việt Nam có giá

Điều ông Đức tiết lộ khiến nhiều người suy nghĩ về miếng bánh truyền hình mà từ trước đến giờ bóng đá Việt Nam vẫn phải đi năn nỉ các đối tác thì nay đã có giá trị rất cao dù chưa nhà đài nào khẳng định rằng có lời từ việc mua bản quyền bóng đá nội địa.

Bóng đá Việt Nam có giá là nhờ AVG

Dù sao thì đấy cũng là thông tin đáng để ghi nhận và cũng có thể xem là đáng mừng với bóng đá Việt Nam sau 12 năm chuyên nghiệp.

Nếu thực sự điều ông Đức nói là có thật và thực sự là VTV đã tính toán cần thiết để sẵn sàng làm đối tác “siêu dự bị” với cái giá 76 tỷ cho 3 năm thì cái giá 6 tỷ/năm lũy tiến 10% mỗi năm chẳng đáng là bao so với cái giá VTV sẵn sàng “bỏ thầu”.

Các chuyên gia bên ngành truyền hình khi nói về vấn đề trên đã đưa ra nhận xét khá thú vị: “Nếu tất cả đều là thật tức VTV sẵn sàng mua 76 tỷ đồng cho 3 mùa bóng và chỉ mua gói giải V-League thôi thì người đầu tiên mà bóng đá Việt Nam nên cảm ơn là AVG. Vì chính đơn vị này đã biến món hàng mà 10 năm làm bóng đá chuyên nghiệp không ai muốn mua hoặc chỉ mua gói lẻ với vài triệu một trận nay bỗng nhảy vọt lên cái giá quá cỡ”.

Có một chi tiết mà những nhà chuyên môn đưa ra cảnh báo rất đáng chú ý đó là hy vọng các ông bầu đại diện cho VPF rất chín chắn trong việc bán sản phẩm của bóng đá Việt Nam và mang lợi về cho các CLB sẽ không là nạn nhân của “cuộc chiến giữa các nhà đài” qua việc “bỏ thầu” phá nhau hoặc “ghi nhớ” để đánh đối thủ chứ không phải là làm vì lợi nhuận từ bóng đá thực sự.

Hy vọng những cảnh báo này sẽ không thừa bởi sâu xa thì nhiều người biết mối quan hệ giữa AVG và VTV vốn không đẹp xuất phát từ người của VTV bị phân hóa.

Các bác “đánh nhau” đến bao giờ

Phải trở lại câu nói của một tuyển thủ trước khi bước vào giải đấu lớn nhưng thấy nội bộ VFF bất hòa nên đã than vãn với báo giới: “Các bác còn đánh nhau đến bao giờ để chúng cháu còn đá bóng”. Câu nói này vẫn còn nguyên giá trị đối với các cầu thủ và với cả người hâm mộ Việt Nam.

Cuộc chiến vẫn chưa có hồi kết

Rõ ràng thời gian qua bóng đá Việt Nam đã mất quá nhiều từ vụ “đánh nhau” không thời hạn. Tôi đồng ý với quan điểm của một người hâm mộ đã than vãn rằng bóng đá Việt Nam còn nhiều cái đáng quan tâm hơn nữa chứ đâu chỉ có mỗi bản quyền truyền hình nhưng sao những nhà điều hành suốt thời gian qua chỉ tập trung vào đánh đấm một chỗ đấy mà làm người hâm mộ thất vọng, cầu thủ mệt mỏi lẫn chán nản. Thậm chí là chuyện banh bóng, chuyện game mà phải đưa lên Văn phòng Chính phủ giải quyết trong khi việc nước còn nhiều vấn đề đáng lo, đáng bàn hơn…

Chính vì “đánh nhau” mà giải đấu bóng đá VĐQG đến giờ vẫn chưa được hợp thức hóa phần thủ tục cần thiết như tên giải, như tư cách nhà tổ chức và thậm chí là việc trao toàn quyền điều hành giải cho VPF cũng vẫn chưa được VFF chính thức ký ủy quyền.

Khi ở trên “các bác” vẫn “đánh nhau” thì rõ ràng ở dưới các cháu chưa thể cống hiến tốt và xa hơn là đội tuyển Việt Nam đến giờ vẫn chưa khởi động tí nào cho chiến dịch AFF Cup còn bộ máy VFF thì nhiều lúc chỉ lo “đỡ đòn” thôi đã không còn thời gian lo nhiều việc quan trọng khác.

Đúng, sai và chuyện thương thảo

Từ nhiều nguồn ý kiến, xin được đưa ra những góp ý sau với những người thực sự là hành động vì bóng đá Việt Nam và đang điều hành bóng đá Việt Nam nhưng chưa tìm được tiếng nói chung:

Không thể phủ nhận AVG đã bước chân vào hợp tác với bóng đá Việt Nam từ “bãi đất hoang” chưa ai khai thác. Bên cạnh đó phải nhìn nhận từ những năm 2009, 2010, khi VFF bán bản quyền bóng đá cho VTV, VTC thì đấy không phải là bản quyền mà là những giải pháp làm sao có sóng để “thu được tiền nhà tài trợ”. Việc mua và bán hồi đấy chỉ là tượng trưng và bên mua thì lựa trận còn bên bán cũng không màng chuyện thu tiền (vì chẳng bao nhiêu). Thế nên khi AVG nhận mua sỉ với cái giá 6 tỷ luỹ tiến 10% mỗi năm thì VFF mừng húm và nghiên cứu luật rồi bán các quyền khai thác thương mại trong 20 năm. Vấn đề chính nằm ở chỗ 20 năm tức kéo dài đến 4 nhiệm kỳ và nói như những người đặt bút ký là nếu không trao 20 năm thì AVG không chơi.

Ở đây cái lý của VFF là bán được cái mà trước giờ phải cầu cạnh các nhà đài và tìm được người lo một cục từ A đến Z lại được món tiền lớn trong khi mùa 2009, 2010 thì có cũng như không. Tuy nhiên phần 20 năm thì quá dài và bị xem là thương quyền bóng đá Việt Nam giống cô gái chưa dậy thì đã bị bố mẹ gả quách cho nhà trai.

VPF khi điều hành giải thì nhận ra mình có thể thu nhiều hơn rất nhiều từ thương quyền đấy qua “bạn đời” VTV và cái giá VTV đưa ra cho thấy VFF và các CLB quá thiệt thòi. Ở đây tạm cho việc VTV đưa giá 7 tỷ cho 3 mùa là có thật và là tính toán có lợi của VTV chứ không phải “bỏ thầu” cao để phá AVG, thì việc ngồi lại với nhau cũng cần phải có trước, có sau và đúng bài bản để tháo gỡ từng phần.


Nếu Thanh tra Bộ VH-TT&DL làm đúng và cấp Thanh tra cao hơn sau này cũng khẳng định đúng thì VPF vẫn phải theo bởi đấy là luật và phần sửa luật hay sửa những điều mà VPF cho là bất hợp lý phải được trình từ những cấp có trách nhiệm lên theo đúng luật đúng bài bản để quốc hội thông qua.

Cách hay nhất vẫn là VPF và VFF phải là một vì nên nhớ VFF được nhà nước trao quyền là tổ chức duy nhất điều hành các hoạt động bóng đá Việt Nam và chịu trách nhiệm trước chính phủ chứ không phải VPF.

Thời gian qua rõ ràng VPF và VFF không thể ngồi lại với nhau nếu không muốn nói là đánh nhau muốn “sứt đầu”, “mẻ trán”. Đấy là cái dở của những người làm công tác điều hành muốn làm rất nhiều nhưng làm không đúng và biến sự đấu tranh cần thiết trở nên một cuộc chiến.

Rõ ràng có những bất hợp lý trong việc bán thương quyền nhũng 20 năm dù điều đấy đang được khẳng định là đúng luật. Và việc “sửa” cái được xem là đúng luật đấy chắc chắn sẽ không thể thành nếu chọn giải pháp “đánh nhau”.

Hy vọng những người thực sự vì bóng đá Việt Nam sẽ ngồi lại vì cái chung với một giải pháp ôn hòa và có tình, có lý để “các cháu yên tâm đá bóng” và người hâm mộ không ngán ngẩm mệt mỏi vì đá banh thì ít mà đấu bản quyền thì nhiều.
Nguyễn Nguyên | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục