Bữa tiệc định mệnh & bản án oan nghiệt 12 năm

07:57 Chủ nhật 22/07/2012

Đối với giới hâm mộ bóng đá Nga, có 2 ngày rất đặc biệt, liền kề nhau, trong tháng 7 này. Một là ngày sinh của Eduard Streltsov, 21/7. Một là... ngày giỗ, cũng của Streltsov, 22/7.

Người ta nói rằng Streltsov sinh ra là để trở thành cầu thủ vĩ đại nhất trong lịch sử bóng đá Nga, nhưng ông lại qua đời ở tuổi 53 cũng vì sự vĩ đại của mình. Vì sao tên tuổi của một cầu thủ vĩ đại như Streltsov lại ít được biết đến? Đấy là vì một nghi án kỳ lạ, đã kéo dài hơn nửa thế kỷ.

Cả một thiên đường vinh quang đang mở ra trước mắt Eduard Streltsov, khi ông đặt chân đến nhà của một sĩ quan quân đội có tên là Eduard Karakhanov vào ngày 25/5/1958. Khi ấy, Streltsov đã được công nhận là một trong những cầu thủ hay nhất thế giới, khi chưa tròn 21 tuổi. Sau cái ngày định mệnh ấy, Streltsov gần như rơi vào địa ngục. Thay cho bục vinh quang tại World Cup 1958 như sự chờ đợi, chỗ của Streltsov vài tuần sau đó lại là trại cải tạo. Thay cho những tràng hoan hô vang dội trên các khán đài là những lời thì thầm về những kế hoạch thủ tiêu người hùng. Và thay cho sự ca ngợi trên mặt báo là những lời tố cáo nặng nề, có hệ thống, về một kẻ sa đọa.

Người thay đổi lịch sử bóng đá thế giới?

Thật ra, "Pele Nga" chỉ là biệt danh sau này của Streltsov. Suy luận một cách logic, khái niệm "Pele Nga" có thể đã không tồn tại, mà thay vào đó là biệt danh "Streltsov Brazil" để nói về sự xuất sắc của Pele. Ai xem bóng đá cũng biết, ranh giới giữa vinh quang và thất bại đôi khi chỉ là một chút may rủi, đầy ngẫu nhiên.

Chẳng ai biết đến Pele khi Streltsov vang danh trước thềm World Cup 1958. Ở thời điểm ấy, lịch thi đấu World Cup 1958 đã được công bố từ lâu, và Liên Xô được các công ty cá cược xếp vào "kèo trên" trong trận gặp Brazil ở vòng bảng. Trên thực tế, Liên Xô và Brazil đều hòa Anh tại World Cup 1958. Và đấy là một Liên Xô đã không còn "cầu thủ hay nhất lịch sử" Streltsov nữa.

Hai năm trước đó, Liên Xô vô địch bóng đá tại đấu trường Olympic 1956, mở ra một "lộ trình vô địch dự kiến" tương tự Uruguay tại Olympic 1928 và World Cup 1930. Còn 2 năm sau đó, Liên Xô đoạt chức vô địch EURO 1960, khi giải vô địch bóng đá châu Âu được tổ chức lần đầu tiên. Lịch sử bóng đá sẽ như thế nào nếu như Streltsov không bị tước đi cơ hội tỏa sáng tại World Cup 1958 và giúp Liên Xô thắng Brazil?
Cũng trên thực tế, Brazil trở thành một trong hai đội đầu tiên trong lịch sử World Cup (cùng với Anh) liên quan đến một trận hòa 0-0. Quá thất vọng vì lần đầu tiên không ghi được bàn thắng sau 28 năm tham dự World Cup, Brazil cải tổ đội hình sau trận gặp Anh. Pele và Garrincha xuất hiện lần đầu tiên trên sân cỏ World Cup. Brazil thắng Liên Xô 2-0, và thẳng tiến đến ngôi vô địch, cũng là chức vô địch World Cup đầu tiên của Brazil.

Một thần đồng đặc biệt

"Pele Nga" tên đầy đủ là Eduard Anatolyevich Streltsov, sinh ngày 21/7/1937 tại ngoại ô Moscow. Cha cậu là Anatoly Streltsov, một sĩ quan tình báo Xô Viết, đã không trở về sau Thế chiến thứ 2. Bà mẹ Sofia Frolovna ở vậy, một mình nuôi nấng cậu. Tài năng bóng đá của Streltsov phát lộ từ những trận bóng trong khu tập thể của nhà máy cơ khí, nơi bà mẹ làm việc và lọt vào mắt xanh các nhà tuyển trạch Torpedo Moscow năm 16 tuổi.

Trận đấu đỉnh cao đầu tiên trong sự nghiệp bóng đá của Streltsov diễn ra vào tháng 4/1954, dưới màu áo Torpedo. Ngay lập tức, cậu bé 16 tuổi đi vào lịch sử với tư cách cầu thủ trẻ nhất ghi bàn ở giải VĐQG Liên Xô. Kỷ lục này đứng mãi cho đến khi Liên Xô tan rã. Chỉ 1 năm sau, Streltsov đã là vua phá lưới tại giải vô địch Liên Xô, gây nên một cuộc tranh cãi: Liên Xô có nên gọi một cầu thủ quá trẻ như thế vào ĐTQG?

Rút cuộc, phe ủng hộ Streltsov chiến thắng. Và Streltsov lập tức thiết lập một kỷ lục khác, cũng không ai phá được. Đấy là cầu thủ trẻ nhất từng lập hat-trick cho đội tuyển Liên Xô ngay lần đầu tiên khoác áo ĐTQG. "Cậu bé" ghi liền 3 bàn trong trận Liên Xô thắng Thụy Điển 6-0, ngay tại Stockholm. Ba năm sau, khi không còn Streltsov trong đội hình, Thụy Điển thắng Liên Xô 2-0 ở vòng tứ kết, rồi vào đến chung kết World Cup 1958 để tranh hùng với Brazil.

Ở thời điểm Streltsov vừa xuất hiện trong bóng đá đỉnh cao thì France Football lần đầu tiên trao giải "Quả bóng Vàng châu Âu". Huyền thoại bóng đá Anh Stanley Matthews đoạt giải, chủ yếu vì ông quá xuất sắc trong suốt một thời gian dài trước khi có giải thưởng này. Nhưng khi ấy, Streltsov đã lập tức có tên trong Top 20. Chỉ 1 năm sau, Streltsov nhanh chóng vươn lên vị trí số 7, bỏ xa các cầu thủ mà sau này đều trở thành huyền thoại như Lev Yashin, Jozsef Bozsik, Francisco Gento, Sandor Kocsis.

Ngoài tài ghi bàn và khả năng thiên phú là có thể chỉ... đứng chống nạnh suốt 89 phút mà vẫn ghi bàn quyết định ở phút 90, Streltsov còn có lối đá đẹp mắt, nổi tiếng với tuyệt chiêu "chuyền kiểu Streltsov". Ông đánh gót một cách điệu nghệ và chuyền về phía sau chính xác hơn khối cầu thủ khác chuyền về phía trước! Đến năm 1958, khi Streltsov thật sự rực sáng và chuẩn bị chinh phục cả World Cup lẫn giải thưởng "Quả bóng Vàng" thì tai ương ập xuống, trong cái ngày 25/5 định mệnh, và tại căn nhà định mệnh của sĩ quan Eduard Karakhanov, như đã nêu trên.

Nghi án kỳ lạ trong đêm

Hôm ấy, đội tuyển Liên Xô đang chuẩn bị cho VCK World Cup tại nơi tập huấn ở Tarasovka, gần Moscow. Vào buổi tối, Streltsov cùng 2 đồng đội Boris Tatushin và Mikhail Ogonkov đến nhà Karakhanov dự tiệc. Trên đường đi, họ được giới thiệu với 2 phụ nữ tên là Marina Lebedeva (22 tuổi) và Tamara Timkina. Hầu hết những nhân chứng sau này đều quả quyết: Lebedeva tìm mọi cách để quyến rũ ngôi sao trẻ Streltsov. Không có chứng cứ cụ thể, nhưng câu chuyện được hiểu là họ đã ngủ với nhau.

Ngay sáng hôm sau, Lebedeva gửi đơn kiện đến phòng công tố Moscow. Nội dung: "Vào ngày 25/5/1958, tại một căn nhà gần trường làng Pravda, tôi đã bị một người tên là Eduard Streltsov cưỡng hiếp. Tôi yêu cầu thực thi công lý đối với nhân vật này". Timkina cũng gửi một đơn tố cáo tương tự đối với Ogonkov.

Lạ ở chỗ: sau khi cùng đi dự tiệc tại nhà của viên sĩ quan Karakhanov thì chỉ có Ogonkov và Tatushin trở lại nơi tập huấn vào sáng hôm sau, còn Streltsov biệt tích. Cầu thủ Nikita Simonian kể lại: "Chúng tôi chỉ nghe loáng thoáng là đã xảy ra chuyện gì đấy. Nhưng người kể lại thông tin cũng chỉ biết lờ mờ. Tóm lại là hình như Streltsov đã bị bắt giam trong buổi tối 25/5".

Báo chí nhanh chóng đưa tin: ngôi sao bóng đá Eduard Streltsov bị bắt vì tội cưỡng hiếp. Không lâu sau đó, Ogonkov và Tatushin cũng bị bắt giam, nhưng họ nhanh chóng được thả. Tatushin không có tội gì. Timkina thì nhanh chóng rút lại đơn kiện Ogonkov. Từ những lời kể mập mờ của Tatushin và Ogonkov, 100.000 công nhân của nhà máy ZIL lên kế hoạch tuần hành, hoặc làm một điều gì đấy tương tự, để phản đối việc bắt giam Streltsov (ZIL là nhà máy sản xuất xe hơi chủ quản của CLB Torpedo Moscow, nơi Streltsov thi đấu). Vụ việc nhanh chóng "chìm xuồng" khi các báo đồng loạt đưa tin "Streltsov đã nhận tội".

Sau này mới lộ rõ sự thật: người ta đã giàn xếp để nếu Streltsov nhận tội thì sẽ được dự World Cup 1958 rồi mới ra tòa khi trở về. Streltsov ký vào biên bản nhận tội. Ngay lập tức, ông bị treo giò vĩnh viễn. Và phiên tòa nhanh chóng xuất hiện với hình phạt 12 năm tù.

Trong lịch sử bóng đá Nga nói riêng và thế giới nói chung, hiếm khi nào có một cầu thủ vươn tới đẳng cấp ngôi sao sớm như Streltsov. Mùa đầu tiên thi đấu cho Torpedo, chàng trai 16 tuổi Streltsov đã được ra sân gần như mọi trận đấu ở giải VĐQG, lập công 4 lần. Ở mùa giải kế tiếp, Streltsov thăng tiến chóng mặt với thành tích ghi 16 bàn/22 trận, giúp Torpedo cán đích chung cuộc ở vị trí thứ 4. Cùng năm 1955 ấy, Streltsov được gọi vào ĐTQG và là một trong những nhân tố chủ chốt của ĐT Liên Xô đoạt HCV Olympic 1956. Cho tới khi sự nghiệp bị gián đoạn năm 1958, khi mới 21 tuổi, thành tích của Streltsov là 48 bàn/89 trận cho CLB Torpedo và 18 bàn/21 trận cho ĐT Liên Xô.

Kinh Kha | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục