Bóng đá Việt & cơn ác mộng bạo lực (Kỳ 6): Quyết liệt và bạo lực là anh em sinh đôi

16:05 Thứ hai 13/02/2012

Không thể phủ nhận được những chiến tích lẫy từng của bóng đá xứ Nghệ nhưng cũng phải thẳng thắn mà nói rằng lối đá thậm chí quá mức “chém đinh, chặt sắt” cũng gây nhiều điều tiếng cho đội bóng này.

“Tr trâu, H bò”…

Trong vòng 15 năm lại nay, không thể phủ nhận kết quả nổi bật của bóng đá Nghệ An từ công tác đào tạo trẻ, thành tích đội 1 và các đội U, đóng góp cho ĐTQG và các đội tuyển U quốc gia.

Về cơ bản, cho đến nay chưa có địa phương hoặc ngành nào làm bóng đá căn cơ và hiệu quả như Nghệ An, khi bóng đá làm nên thương hiệu một địa phương, “niềm tự hào Xứ Nghệ”, luôn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của lãnh đạo và nhân dân cũng như công luận, sự hỗ trợ của nhiều doanh nghiệp, doanh nhân…

SLNA (áo vàng) là đội nổi tiếng với lối chơi rắn

Vậy nhưng trên những bước đường để đi tới thành công, bóng đá Nghệ An cũng để lại không ít điều tiếng, thậm chí những vết đen khó xóa trong lịch sử bóng đá nước nhà. Sự việc bán độ liên quan đến Văn Quyến, Quốc Vượng hồi SEA Games 23, những án kỷ luật dành cho cầu thủ SLNA và Sân Vinh, lối đá “chém đinh, chặt sắt”, những cái tên phụ Tr “trâu”, H “bò”…, những nghi ngờ và án về cầu thủ sử dụng ma túy…đã khiến cho hình ảnh oai hùng của đoàn quân Xứ Nghệ nhiều lúc bị lung lay dữ dội trong lòng người hâm mộ, không ít khi khiến Ban kỷ luật của VFF dở khóc dở mếu …

Khoảng cách mong manh

Nếu thống kê trong các lứa SLNA, ai là cầu thủ chơi bóng kỹ thuật, mềm mại nhất thì con số đó chỉ lưa thưa như …lá mùa đông. Vũ Quang Bảo, Văn Sỹ Hùng, Văn Quyến, Công Vinh và… hết? Trong khi đó, nếu tính các thẻ vàng, thẻ đỏ, tính các án kỷ luật, tính các danh hiệu được báo giới và CĐV “ khen tặng” thì SLNA luôn không có đối thủ.

Người cầm quân của SLNA hiện nay trong sự nghiệp cầu thủ rạng rỡ và khúc khuỷu của mình, hễ cứ nhắc đến tên là người ta lại hình dung đến các từ: đinh, sắt, thép, rắn…, vừa nể phục cũng vừa lo ngại. Trong BHL của vị HLV trẻ tài năng này có một cựu hậu vệ từng song phi một lúc vào hai đối thủ trên sân Thống Nhất trong trận gặp Hải Quan hồi đó và lĩnh thẻ đỏ.

Học trò ruột và đầu tàu của đội bóng luôn vào trận với 2 động từ rất đàn ông là dằn mặt và triệt hạ. SLNA rất ít khi mượn hoặc dùng quân do nơi khác đào tạo, họa hoằn mới cần đến và nếu có thì cũng phải có tiền sử…rắn, thép kiểu như S.H. của QK4 cũ (anh này bị thẻ đỏ như cơm bữa và trận đấu mới nhất của SLNA ở Gò Đậu cũng vừa kịp đem về cho đội nhà…một quả phạt đền!)

Các cầu thủ luôn e ngại khi phải đối mặt với Huy Hoàng (áo vàng)

Với quan niệm “thâm căn cố đế” như thế, với một cách làm như thế, không dễ để tồn tại trong đoàn quân ấy một bóng dáng ẻo lả như…đàn bà. Người viết từng nghe rõ mồn một lời một cựu HLV SLNA khi nói về một tài năng trẻ không lớn của đội bóng “anh thấy không, em nó không dám vào bóng, tránh hết mọi va chạm. Thế là thua, thua ngay lập tức”. Cầu thủ này là một tiền vệ tổ chức cừ khôi của U21, vô cùng ăn ý với tiền đạo Phan Thanh Hoàn hồi đó, nhưng nay cả hai đều đi vào quá khứ vì nhiều lý do, trong đó chắc chắn có chuyện chơi bóng không quyết liệt như lời vị HLV nọ.

HLV Nguyễn Hữu Thắng từng công khai chuyện cầu thủ SLNA vào sân là phải quyết liệt, phải là một người đàn ông thực sự trên sân cỏ. Đáng mừng biết bao nếu cầu thủ vào sân luôn mang theo khát vọng chiến thắng, cống hiến, được giáo dục, được thưởng phạt theo quan niệm đó. Nhưng vấn đề đặt ra là khoảng cách giữa quyết liệt và bạo lực luôn vô cùng mong manh. Huy Hoàng là cầu thủ luôn được đồng đội và đối thủ kiêng nể vì cú ra chân nhanh như chớp, trên chân mọi đối thủ của mình. Không ít lần người hâm mộ vô cùng mãn nhãn với cú xoạc bóng, cú móc bóng “đặc sản” của Huy Hoàng. Nếu dừng lại ở đó, Huy Hoàng sẽ luôn là hình mẫu để mọi cầu thủ học tập và nghe theo. Chắc hẳn, cả Hữu Thắng và Huy Hoàng đều không ý thức được việc nên dừng lại ở đâu là vừa, là đẹp.

SLNA bây giờ không còn là thời phải thuê thầy từ Hà Nội, mượn quân từ Nam Định, mà là thời kỳ sung mãn về mọi mặt. Thầy giỏi, quân cừ. Nội nhất nhì bảng vì đều mác tuyển, ngoại lựa chọn công phu, việc gì cứ vừa vào trận là Huy Hoàng đã tung chân ngay vào mặt đối thủ? Rồi ngay cả một cầu thủ mặt hiền khô như Trọng Hoàng cũng phi thân không thương tiếc vào đồng đội ở U23? (trận gặp NB ở tứ kết Cúp QG mới đây)

Vì những chuyện như vừa nói, khoảng cách giữa quyết liệt và bạo lực bỗng giống nhau như…anh em sinh đôi, và việc một ngôi sao sáng và một án kỷ luật luôn có cơ hội song hành, theo đó cũng thật mong manh làm sao!

Cuồng nhiệt và quá khích

Bóng đá sẽ chết nếu không có khán giả, điều đó luôn luôn đúng và càng là chân lý đối với bóng đá Nghệ An. Từ lãnh đạo tỉnh tới người dân thường, tình yêu bóng đá nói chung và SLNA nói riêng được nói một cách hình ảnh, là như…nước Sông Lam, như câu hát truyền đời của người Nghệ “Nước Sông Lam biết khi mô cho cạn…”. SLNA đi đến đâu có CĐV ở đó. Ngay hôm vừa đây, đồng hương Nghệ An gặp mặt đầu xuân ở Hà Nội, mọi việc cũng được thu xếp nhanh gọn, lý do là để các bác, các anh còn về xem…SLNA đá với Bình Dương! Cách nói “chảo lửa” thành Vinh chỉ là một trong vô vàn cách để người hâm mộ đến với bóng đá và SLNA.

CĐV Nghệ An bao vây xe chở cầu thủ HN T&T sau trận hòa giữa SLNA và đội bóng Thủ đô hôm 15/1

CĐV nào thì vào sân cũng muốn đội nhà thắng, CĐV SLNA càng mong muốn cháy bỏng hơn. Ngày xưa, SLNA thua QK Thủ đô 0 – 1, tan trận, vị trọng tài phải chạy bán sống bán chết, may chỉ..gãy mấy cái răng. Mới đây, SLNA bị gỡ hòa giây cuối, chưa tan trận, cả vị trọng tài lẫn cựu cầu thủ SLNA hết hợp đồng để đi đội khác đều bị đưa vào danh sách…xin tí tiết (xịn không nhắc lại những sự cố liên quan đến CĐV SLNA mà nhiều người đã biết). Nghĩa là ranh giới cửa sự cuồng nhiệt đáng yêu và sự quá khích cần lên án đã lại rất mong manh. Đáng tiếc là phần lớn CĐV vẫn vô tư, hồn nhiên với mọi vui buồn của đội bóng như nhiều năm qua..

Đó là lý do cho sự ra đời của Hội CĐV SLNA, khiến Hội là một phần của đội bóng, hoạt động bài bản, thu hút, có tiếng nói thống nhất, tạo dựng và gắn kết mối quan hệ chặt chẽ với CĐV SLNA trong cả nước, xây dựng mối quan hệ thân thiện với các hội bạn.

Khi CĐV SLNA nhuộm kín màu vàng truyền thống trên sân Gò Đậu để cổ vũ đội nhà thi đấu sân khách thực sự là niềm cổ vũ lớn lao. Nhưng khi cũng từ đó phát ra những lời lẽ quá khích, ném pháo sáng, mưa vật thể lại khiến lực lượng chức năng phải ra tay, thì đó lại là một nỗi hổ thẹn.

Niềm vui ở cạnh nỗi buồn lo là như thế. Ai thấu hiểu khoảng cách mong manh này? Ai đó cũng đừng bao giờ nói : đó không phải là CĐV SLNA, đó chỉ là một nhóm quá khích bởi nói như thế là đồng nghĩa với thất bại, với đầu hàng và việc lập ra các hội này, hội kia chỉ là hình thức và vô nghĩa trong bối cảnh mong manh không dễ vượt qua này.
Phú Châu | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục