Bóng đá Trung Quốc và câu chuyện về nghệ thuật sao chép

21:17 Chủ nhật 16/10/2016

TinTheThao.com.vnNhững năm qua, Trung Quốc nổi tiếng khắp thế giới không chỉ bởi nền kinh tế của quốc gia Châu Á này đã nằm trong tốp đầu mà vì họ có thể làm giả, làm nhái mọi thứ. Từ những công trình kiến trúc đến hàng điện tử, xe hơi,… bất cứ thứ gì người Trung Quốc muốn là làm được.

Khi đã có thể tạo ra phiên bản của nhà hát Opera Sydney, Cối xay gió, tháp nghiêng Pisa, tháp Eiffel hay thậm chí là Nhà trắng, người Trung Quốc tự tin rằng mình có thể tạo nên đội bóng siêu cường như Brazil, Đức hay Tây Ban Nha,…Với nghệ thuật sao chép đã được nâng lên mức thượng thừa thì không gì họ không làm được.

Trung-Quoc-Cat-tuong-1

 Trung Quốc đã chi rất nhiều tiền nhằm mục đích tăng sức mạnh cho bóng đá nước này. Ảnh: Internet.

Phải thừa nhận rằng người Trung Quốc yêu bóng đá. Sau World Cup 2002 thì giấc mơ về chiếc vé dự cúp thế giới luôn cháy bỏng trong họ. Thậm chí Trung Quốc còn nhắm đến mục tiêu xa hơn là vượt mặt Brazil để đứng trong hàng ngũ những đội bóng hàng đầu thế giới. Có quyết tâm, có đam mê và không thiếu tiền của, người Trung Quốc tự tin về một cuộc cách mạng xung quanh trái bóng tròn.

Tiếc rằng con đường mà bóng đá Trung Quốc lựa chọn không mang lại hiệu ứng tích cực. Cũng quyết tâm không xây nhà từ nóc nên công cuộc đào tạo trẻ, phát triển bóng đá học đường cũng như phong trào được nhà nước Trung Quốc cũng như những người làm bóng đá chú ý tạo mọi điều kiện phát triển. Nhưng chính sự nóng vội và thiếu kiên trì đã dẫn đến những hệ lụy là đến bây giờ bóng đá Trung Quốc vẫn chưa thoát ra khỏi phạm vi Châu Á.

Khác với Nhật Bản hay Hàn Quốc phát triển bóng đá theo đường lối riêng của mình để phù hợp với con người bản xứ thì cách thức của Trung Quốc khá tạp nham, chính xác hơn họ đang sao chép mô hình của những nền bóng đá phát triển khác. Hàng loạt HLV danh tiếng cùng những ngôi sao đình đám tại Châu Âu một thời đều tìm đến đây theo tiếng gọi của sự …đãi ngộ. Dường như bóng đá Trung Quốc muốn tranh thủ để học tập những tinh túy của họ để làm mạnh thêm đội tuyển quốc gia rồi từng bước phát triển cả nền bóng đá.

Nhưng thực tế cho thấy việc có quá nhiều ngôi sao lại mang đến điều không hay cho bóng đá Trung Quốc. Họ được đối xử như những ông hoàng nhưng tuổi tác không còn trẻ, phong độ bị hạn chế phần nào nhưng vẫn khiến cầu thủ Trung Quốc mất đi cơ hội ra sân, từ đấy dẫn đến chuyện nội bộ không ổn định. Về lâu về dài sẽ làm hại nền bóng đá Trung Quốc thêm mà thôi. Trong khi ấy CLB chuộng HLV ngoại, đội tuyển chọn HLV nội nhưng các HLV Trung Quốc thì trình độ có hạn đã góp phần làm xáo trộn thêm nền bóng đá nước này.

Những sự chuyển biến lớn trong những năm qua của bóng đá Châu Á phải kể đến Nhật Bản hay Thái Lan. Điểm chung của họ là chọn lối đi riêng, cẩn thận và quyết đoán. Trong khi ấy những Philippines hay Trung Quốc lại khá nóng vội, táo bạo nhưng thiếu sáng suốt và thuần nhất nên kết quả mà họ có được khá phập phù. Đó là lý do vì sao Trung Quốc dân đông, niềm đam mê có thừa và tiềm lực tài chính mạnh mẽ mà vẫn không có một đội tuyển bóng đá đủ mạnh.

Trung-Quoc-Cat-tuong-2

 Đội tuyển Trung Quốc liên tục nhận những kết quả bất lợi tại vòng loại World Cup 2018. Ảnh: Internet.

Đúng là Trung Quốc làm được mọi thứ, sao chép được mọi thứ nhưng dù sao đó cũng chỉ là hàng nhái. Mà hàng nhái thì không bao giờ bằng… hàng thật được. Cho nên có cố bắt chước cách mấy thì Trung Quốc cũng không thể là Brazil, Bỉ, Anh hay Đức được. Bóng đá không phải như đầu tư kinh tế mà có thể đi tắt đón đầu, mọi thứ đều phải từ từ và phải chọn con đường thích hợp. Thích hợp ở đây là phù hợp với con người Trung Quốc. Mọi thứ có thể sao chép và dù sao chép ở Trung Quốc đã là một nghệ thuật nhưng bóng đá thì không thể sao chép được.

Cát Tường - Thể thao Việt Nam | 20:15 16/10/2016
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục