Bóng đá Đông Âu đã "mất chất"

13:39 Chủ nhật 03/06/2012

Những biến cố lịch sử từ sau khi bức tường Berlin sụp đổ đã làm xáo động mọi mặt đời sống xã hội ở các nước Đông Âu, và bóng đá không phải là một ngoại lệ. Từ đó đến nay, dù cũng không ít lần gây được ngạc nhiên và thành công ở những giải đấu lớn, nhưng dù ở cấp đội tuyển quốc gia hay CLB, Đông Âu vẫn phải chịu cam phận lép vế trước những đối thủ Tây Âu hùng mạnh hơn.

Trường phái Liên Xô cũ

Với những đại diện điển hình là Nga, Ukraina, Ba Lan và các đội yếu hơn là Belarus, Estonia hay Georgia. Đặc trưng của lối chơi Liên Xô cũ vẫn là đậm chất kỹ thuật, sáng tạo với những đường ban ngắn và trung bình, nhưng với những điểm yếu như tinh thần cạnh tranh kém, tâm lý không vững vàng cũng như thua sút về thể lực khiến các đội bóng này hiếm khi thành công dù lúc này lúc khác có thể tạo ra được tiếng vang nhất định.

Ukraina từng vào tứ kết World Cup 2006 và Nga khiến cả châu Âu thán phục ở kỳ EURO 2008 khi họ đánh bại một Hà Lan rất mạnh để vào đến tận bán kết. HLV Dick Advocaat thừa kế gần như trọn vẹn đội bóng đó của người đồng hương Guus Hiddink 4 năm về trước và với một lá thăm khá may mắn, tuyển Nga rơi vào bảng A có mặt 2 đội Đông Âu khác là Czech, chủ nhà Ba Lan và đại diện Nam Âu Hy Lạp. Gánh nặng tuổi tác đã đè nặng lên thế hệ vàng từng làm mưa làm gió tại Thụy Sĩ và Áo trong khi các tài năng trẻ chưa kịp trưởng thành, nhưng nhờ lá thăm đó, Nga vẫn là đội được đánh giá cao nhất ở bảng A.

Poborsky thực hiện cú lốp bóng kinh điển ở EURO 1996, giải đấu mà Czech đã đoạt ngôi Á quân

Tuy nhiên, hai đại diện còn lại của trường phái Liên Xô cũ, Ukraina và Ba Lan, đang gặp rất nhiều khó khăn với việc tìm lại niềm tự hào quá khứ. Nếu không phải là chủ nhà, họ chưa chắc đã đủ sức vượt qua vòng loại. Ba Lan không có ngôi sao lớn đích thực nào, ngoại trừ chân sút của đội đương kim vô địch Bundesliga Robert Lewandowski, còn Ukraina vẫn phải dựa vào bộ khung gần giống hệt 6 năm trước khi họ vào tứ kết World Cup ở Đức với những trụ cột như Andriy Shevchenko, 35 tuổi và Anatoliy Tymoschuk, 33 tuổi.

Trường phái Balkan

Hoặc có thể gọi là trường phái Nam Tư cũ, với hàng loạt các đội bóng tách ra từ quốc gia này, Croatia, Serbia, Slovenia, Montenegro, Bosnia và Herzegovina. Dù ở những trình độ khác nhau, họ chia sẻ phong cách chơi bóng giống nhau: kỹ thuật, tinh quái, ý thức chiến thuật cao và cực kỳ khó chịu. Dù hiếm khi vượt qua được vòng loại, nhưng những đội như Montenegro, Bosnia hay Slovenia đủ sức gây khó dễ cho bất cứ ông lớn nào ở châu Âu, còn Croatia và Serbia là hai đại gia thực thụ.

Với sự vắng mặt đáng tiếc của Serbia, đội bóng của HLV Slaven Bilic là đại diện duy nhất của bóng đá Nam Tư ở giải lần này. 2 lần vào tứ kết EURO và từng giành huy chương đồng World Cup, có trong đội hình những hảo thủ như Luka Modric, Niko Kranjcar hay Mario Mandzukic, Croatia không chỉ là một đội bóng giàu truyền thống, mà còn có thực lực để trừng phạt bất cứ đối thủ nào dám lơ là với họ. Trên lý thuyết, đội bóng áo kẻ ca-rô rơi vào một trong những bảng khó nhất, có mặt hai con ngáo ộp TBN và Italia, cùng đội bóng khó chơi Ireland, nhưng trong một ngày đẹp trời của Croatia, không ai có thể nói trước điều gì và xét về lực lượng cũng như độ chín của đội hình, họ có lẽ mới là đại diện số một của bóng đá Đông Âu ở thời điểm này.

Tiệp Khắc cũ

Với hai đại diện là Czech và Slovakia. Cũng giống như nhiều lợi thế khác thừa hưởng từ nhà nước Tiệp Khắc cũ, Czech có một nền bóng đá mạnh hơn hẳn so với láng giềng anh em của họ. Trong khi giải đấu lớn duy nhất mà Slovakia từng tham dự gần 20 năm sau ngày lập quốc là World Cup 2010 thì Czech không chỉ là gương mặt quen thuộc của các kỳ EURO và World Cup, họ còn đủ sức tiến rất xa, như ở chung kết EURO 1996 và bán kết EURO 2004.

Đội hình hiện giờ của HLV Michael Bilek đang trong quá trình chuyển giao, với sự níu kéo những lão tướng không còn ở đỉnh cao như Milan Baros, Tomas Rosicky hay Tomas Hubschman bên cạnh những cầu thủ trẻ còn chưa khẳng định được mình như Vaclav Pilar, Tomas Necid hay Tomas Pekhart, nhưng việc rơi vào bảng A nhẹ nhàng và khá cân bằng sẽ là cơ hội tốt để Czech ít nhất là có mặt tại tứ kết.

Phụ thuộc lính đánh thuê

Đội hình xuất phát của các đội bóng Đông Âu tại EURO 2012 chứng kiến hai khuynh hướng trái ngược nhau. Trong khi Nga và Ukraina sử dụng đội hình gần như gồm toàn bộ nội binh. Với Nga, cả 11 cầu thủ trong đội hình xuất phát đều đang chơi trong nước, còn với Ukraina, chỉ có hai cầu thủ đá chính chơi ở nước ngoài là Andriy Voronin (Spartak Moskva, Nga) và Anatoliy Tymoshchuk (Bayern Munich, Đức). Ngược lại, đội hình xuất phát của Czech, Ba Lan và Croatia, mỗi đội chỉ có duy nhất một cầu thủ đang chơi trong nước, lần lượt là David Limbersky (Vitoria Plzen), Jakub Wawrzyniak (Legia Warsaw) và Josip Simunic (Dinamo Zagreb).
Trần Trọng | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục