Bóng chuyền Việt Nam: Sẽ thay đổi phương thức phát triển

15:30 Thứ hai 16/01/2012

Cuộc gặp mặt báo chí vào chiều 13-1 tại Hà Nội đã được Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam (VFV) chia sẻ nhiều thông tin cho những kế hoạch dài hơi nhằm đổi mới mạnh mẽ hơn nữa từ cơ chế thi đấu tới chiến lược đội tuyển…

Bóng chuyền Việt Nam chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi kể từ mùa giải 2012. Ảnh: Minh Hoàng

Quý 1 sẽ có các ứng viên Tổng thư ký

Tổng thư ký (TTK) đương nhiệm Trần Đức Phấn chính thức khẳng định: “Tôi đã xin rút khỏi chức vụ TTK trong cuộc họp của Ban chấp hành mới đây. Ban chấp hành cùng Chủ tịch VFV Lê Minh Hồng cũng đồng ý và đề nghị các ủy viên cùng các phóng viên, nhà báo (có thể) giới thiệu các gương mặt ứng cử”. Tuy nhiên, việc thay thế chức vụ quản lý nói trên sẽ không diễn ra ngay, mà theo thông báo phải tiến hành đúng thủ tục và theo lộ trình phù hợp.

Với sự xem xét từ các nhà quản lý cùng Chủ tịch Lê Minh Hồng thì Ban chấp hành xác định lộ trình trên phải có báo cáo cụ thể về các ứng cử viên được đưa trong danh sách vị trí TTK thay ông Phấn vào quý I-2012. “Tôi cũng đã có ý kiến xin rút lui từ năm ngoái và cũng muốn nhận được nhiều sự giới thiệu các gương mặt phù hợp. Tuy nhiên, chưa thấy ai giới thiệu. Người được ứng cử phải hội tộ đủ tiêu chí: trẻ, có trình độ, uy tín, khả năng ngoại ngữ…”, ông Phấn cho biết thêm.

Như vậy là rõ, ít nhất trong 3 tháng đầu năm và cũng có thể tin là trước thời điểm vòng 1 giải VĐQG 2012 tổ chức thì người ta mới biết được có bao nhiêu người giới thiệu hoặc tự ứng cử vào “ghế nóng” TTK trên. Dù không cho tiết lộ nhưng tại cuộc họp, TTK Trần Đức Phấn cũng khẳng định Ban chấp hành và ông sẽ có những gương mặt phù hợp để đưa ra nhằm lấy ý kiến phê chuẩn từ chủ tịch VFV cũng như các ủy viên của Ban chấp hành khóa V.

Giải vô địch quốc gia chỉ còn 8 đội?

Lộ trình đã có và đó là mục tiêu mà Ban chấp hành cũng như lãnh đạo VFV đang muốn hoàn thiện trên con đường đưa bóng chuyền nước nhà lên bán chuyên nghiệp. Việc thay đổi sẽ được bàn thảo cụ thể và ở cuộc họp vừa qua, BCH đã ra nghị quyết tới tháng 6 năm nay sẽ rút ngắn bớt số đội ở giải VĐQG xuống còn 8 đội. Nếu điều ấy thành hiện thực, đó là 1 bước thay đổi nhằm “cô đọng” hơn chất lượng của các đội bóng cũng như chất lượng của chính giải vô địch toàn quốc.

Hiện giải VĐQG có 12 đội nam, 12 đội nữ dự tranh. Xét về số lượng, đấy là con số không nhỏ. Thế nhưng có vẻ bóng chuyền Việt Nam đang phát triển theo hình kim tự tháp… ngược, nghĩa là số đội bóng ở giải hạng A không nhiều hơn bao nhiêu (ở mùa giải 2011, có 18 đội nam dự vòng loại, nữ chỉ có 8 đội nên không đấu vòng loại mà bắt đầu từ vòng bán kết) so với số đội chơi ở giải VĐQG. Trên thực thế, sự cạnh tranh chỉ diễn ra ở nhóm 5 đội bóng có thực lực rõ rệt.

Thử so sánh với các mô hình phát triển ở nhiều quốc gia mạnh tại châu Á như Nhật Bản, Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc… sẽ thấy rằng bóng chuyền Việt Nam đi ngược hoàn toàn với bạn bè. Ở các quốc gia này, số đội dự giải vô địch không quá con số 10, còn hạng đấu thấp quy tụ nhiều đội để tạo tính cạnh tranh cao.

Bên cạnh đó, sau nhiều giải đấu quốc tế không thành công của 2 ĐTQG nam và nữ, lộ trình chuẩn bị lực lượng trẻ kế cận nhằm “thay máu” cựu binh của ĐTQG cũng được đề cao.

Theo đó, kể từ năm 2012 sẽ bắt đầu chiến lược đầu tư chuyên biệt cho 2 đội tuyển trẻ nam, nữ. Mục tiêu là tuyển chọn những VĐV có chiều cao, tố chất để đưa tập huấn dài hạn ở nước ngoài. “Điểm đến của đợt tập huấn sẽ là CHDCND Triều Tiên. Tất nhiên, việc lấy VĐV trẻ của CLB để đưa tập huấn dài hạn nhằm phục vụ các đội tuyển là không dễ. Vì vậy, VFV cũng phải ra nghị quyết để phù hợp giữa lợi ích của CLB và quốc gia. Khi Tổng cục TDTT chưa ra được quyết định triệu tập đội tuyển mà VFV có quyết định nhưng VĐV không lên tuyển tập huấn thì sẽ không cho thi đấu nữa” - ông Phấn bày tỏ.

Minh Chiến | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục