Bơi lội Việt Nam rối tinh với kỳ tập huấn Mỹ

08:28 Thứ năm 22/03/2012

Ba tháng trước, làng bơi Việt Nam ở trên mây xanh với thành công rực rỡ tại SEA Games 26. Hiện tại, đội tuyển quốc gia rối tinh với kỳ tập huấn dài hơi chưa từng có trên đất Mỹ dành cho những VĐV tài năng nhất.

Đội tuyển bơi Việt Nam đến thăm nhà anh Đặng Hồ Tâm, người Việt kiều đã hỗ trợ đoàn từ ngày đầu đến Mỹ tập huấn.

Cách đây một tháng, Hoàng Quý Phước còn phấn chấn đặt mục tiêu đạt chuẩn A trên đất Mỹ, nhưng đến giờ này thì mục tiêu này đã trở nên xa vời. Chương trình tập huấn được kỳ vọng ở Mỹ của đội tuyển bơi Việt Nam đến nay coi như đã thất bại, do có quá nhiều vấn đề từ khâu tiền trạm, chọn địa điểm tập huấn lẫn ứng xử của HLV, VĐV với nhau trong thời gian qua.

Thông tin từ Mỹ gửi về cho biết tay bơi số một Việt Nam hiện nay Hoàng Quý Phước bị tăng cân và giảm thành tích đáng kể. Đội tuyển bơi thất vọng vì môi trường tập luyện ở trường Bolles - vốn là một trường trung học tư thục và hoàn toàn không có các điều kiện chuyên môn để đào tạo VĐV đỉnh cao. Mặc dù đội đã chuyển sang địa điểm tập huấn mới, nhưng những khúc mắc nội bộ khiến nội tình đội tuyển rối rắm.

Theo báo cáo mới nhất của HLV Đặng Anh Tuấn gửi từ Jacksonvilles, Florida, tình hình toàn đội trong thời gian đầu tập tại trường Bolles đạt kết quả tồi. Tại đây, các VĐV chuyên nghiệp của Việt Nam chẳng những không được tập theo các chương trình đặc biệt, ngược lại còn khá nghiệp dư: Một tuần chỉ được tập 6 buổi theo giáo án chính vào các buổi chiều. Còn buổi sáng, các tay bơi chỉ được tập trong ba ngày thứ hai, tư, sáu theo chế độ khởi động. Ngoài ra, chuyên gia không thay đổi và huấn luyện riêng biệt cho VĐV Việt Nam, không có chương trình tập thể lực. Kết quả chỉ sau một tháng, các VĐV đều tăng cân, giảm sút các tố chất như sức bền, sức mạnh, kỹ thuật... Những đề nghị tăng thời gian tập cho VĐV Việt Nam đều không được chấp nhận.

Căng thẳng hơn là vấn đề tác nghiệp của các HLV. Thời gian đầu, các HLV Việt Nam được phép có mặt ở bể bơi, trực tiếp theo dõi và tham gia dịch, chỉ đạo VĐV tập luyện cùng các chuyên gia Mỹ. Nhưng từ ngày 5/2, luật mới của Bộ giáo dục Mỹ quy định chỉ có HLV có giấy phép hành nghề mới được phép có mặt ở khu vực này. Điều này khiến các HLV Việt Nam chỉ còn làm một nhiệm vụ: Đưa đón học trò trong các ngày tập.

Khó khăn phát sinh khi nhìn chung các VĐV chưa đủ trình độ tiếng Anh để hiểu HLV Mỹ dạy gì. Hằng ngày, VĐV kết thúc tập luyện phản ánh lại rằng vì không hiểu nên bơi cũng không tốt theo.

Đến đầu tháng 2, đội tuyển phải xin chuyển địa điểm tập huấn sang CLB bơi St Augustine. Tại đây đội được tập 10 buổi/tuần, có HLV thể lực Lee Lawrence - từng là HLV trưởng trung tâm huấn luyện hải quân Mỹ. Còn HLV trưởng CLB Frank Hollemen đồng ý đứng ra bảo lãnh cho HLV Việt Nam được phép đứng trên hồ bơi tham gia công tác huấn luyện và phiên dịch cho VĐV.

Dù có chưa tới 10 người nhưng đội tuyển bơi cũng gặp vấn đề chia rẽ nội bộ. Sự không bằng lòng về nhau ban đầu chỉ nhen nhúm từ những va chạm giữa 2 HLV Đặng Anh Tuấn và Nguyễn Tấn Quảng. Khi gặp hoàn cảnh tập luyện trắc trở, chuyện nhỏ bùng lên thành lớn.

Trước khi có chuyến tập huấn này, rắc rối đầu tiên đã xảy ra khi Đà Nẵng, - đơn vị chủ quản của VĐV Hoàng Quý Phước – yêu cầu Hiệp hội thể thao dưới nước Việt Nam phải cho HLV Nguyễn Tấn Quảng, người đã sát cánh cùng Hoàng Quý Phước nhiều năm nay đi cùng. Quan điểm của Đà Nẵng là sợ HLV mới chưa hiểu điểm mạnh, điểm yếu của Phước sẽ phá vỡ hệ thống năng lực bơi của em và có thể làm “chột’ gà nòi.

Trong môn điền kinh, năm 2011 các VĐV Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng cũng từng tập luyện trong một môi trường chuyên nghiệp ở Đức với cường độ cao mà không có thày quen đi kèm. Kết quả là các ngôi sao điền kinh giỏi của Việt Nam đã thất bại cay đắng trong chuyến tập huấn rầm rộ này, dù vừa thành công rực rỡ trên đấu trường Asiad.

Sau nhiều tranh cãi và HLV Tấn Quảng được đưa vào chương trình tập huấn. Khi tới đất Mỹ, nội bộ đội tuyển bơi bị chia rẽ thành hai phe. HLV Tuấn lo cho 4 VĐV, thày trò Quảng - Phước tự lo cho nhau. Không chi sinh hoạt khác mái nhà, thời kỳ đầu mỗi nhóm tự lo việc di chuyển. HLV Tuấn có gia đình ở Mỹ nên mượn được xe chở 4 học trò đi tập. Còn thày trò Quảng - Phước tự thuê phương tiện đi lại. Đến khi chuyển sang CLB mới cách nơi ở 2 giờ di chuyển, anh Tuấn mới mượn xe 7 chỗ và chở cả đoàn đi chung.

Thực tế chuyến tập huấn trên đất Mỹ diễn ra khó khăn hơn nhiều so với dự đoán, như lời nhận định trong lá thư fax về Việt Nam của anh Đặng Hồ Tâm, người việt kiều giúp đội từ khi đặt chân tới Mỹ: "Không phải là thiên đường như mọi người vẫn nghĩ". Mọi điều kiện ăn ở, đi lại, nơi tập đều không thuận lợi.

Hiện nay cả Tổng cục TDTT và Đà Nẵng đều chờ chuyến đi Mỹ của Trưởng Bộ môn bơi Đinh Việt Hùng để kiểm tra tình hình thực tế chất lượng tập huấn tại Mỹ, cũng như làm rõ những thông tin trái chiều trong nội bộ đội tuyển. Trong trường hợp thấy tập huấn không hiệu quả, Hoàng Quý Phước có thể sẽ về Việt Nam tự tập ở Đà Nẵng trước khi tìm được điểm tập huấn hợp lý khác.

Minh Hà | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục