Bế mạc Olympic Rio 2016: Thành công trong khó khăn bộn bề

07:19 Thứ hai 22/08/2016

7 giờ sáng nay (22.8, giờ Việt Nam), lễ bế mạc Olympic Rio 2016 sẽ diễn ra trên sân vận động Maracana. Sau những ngay tranh tài sôi nổi, quyết liệt, Thế vận hội lần đầu tiên tổ chức tại một quốc gia Nam Mỹ khép lại với nhiều dấu ấn đáng nhớ.

Đắt giá nhất lịch sử

Trong 120 năm lịch sử của Olympic hiện đại, kể từ khi Olympic Athens được tổ chức năm 1996, có thể khẳng định, Olympic Rio 2016 là Thế vận hội đắt giá nhất trong lịch sử. Tính về tổng doanh thu, từ bản quyền phát sóng, tiền tài trợ, giá trị các nhà tài trợ, tài sản của vận động viên và số tiền Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) kiếm được, Rio 2016 là Olympic có giá trị cao nhất. Chỉ tính riêng lĩnh vực quảng cáo, 11 nhà tài trợ toàn cầu cho Olympic Rio 2016 có tổng vốn hóa hơn 1.500 tỷ USD. Tổng doanh thu từ quảng cáo của Olympic Rio dự kiến đạt 9,3 tỷ USD, một con số kỷ lục mà không Thế vận hội mùa hè nào có thể sánh bằng.

Rio 2016 là Olympic đắt giá nhất trong lịch sử. ảnh: I.T.

Về bản quyền phát sóng trên truyền hình, Olympic Rio có doanh thu lớn nhất khi IOC thu được 4,1 tỷ USD. NBCUniversal - hãng truyền hình giữ bản quyền Rio 2016 tại Mỹ đã chi 1,23 tỷ USD cho sự kiện này. Đài này cũng đã bán được 1 tỷ USD các suất quảng cáo từ hồi tháng 3. BBC cũng chi gần 100 triệu bảng (hơn 130 triệu USD) cho Rio 2016, gần gấp đôi năm 2012. Đài Seven (Australia) cũng cho biết nhu cầu quảng cáo của doanh nghiệp nước này lên chưa từng có và có thể phá kỷ lục doanh thu của Olympic Sydney 2000.

Olympic mùa hè tiếp theo sẽ được tổ chức tại Tokyo (Nhật Bản) vào năm 2020. Theo dự kiến, lễ khai mạc Thế vận hội này sẽ diễn ra vào ngày 24.7, lễ bế mạc tổ chức ngày 9.8. Chính phủ Nhật Bản dự kiến chi hơn 3 tỷ USD để tổ chức Olympic 2020.

Tuy vậy, đắt giá nhất cũng chưa hẳn đã mang lại lợi nhuận hay bước phát triển mới về dịch vụ, kinh tế cho nước chủ nhà Brazil. Theo báo cáo từ dịch vụ nhà đầu tư của Moody, Thế vận hội sẽ giúp Brazil cải thiện cơ sở hạ tầng của Rio, nhưng việc gia tăng lượng khách du lịch sẽ không thể giúp Brazil thoát khỏi cuộc suy thoái dài nhất kể từ năm 1930.

Chia tay những huyền thoại

Olympic Rio 2016 khép lại trong những cảm xúc lẫn lộn. Vẫn còn đó những hạt sạn về công tác tổ chức, bê bối tình dục, tai nạn trong thi đấu..., nhưng không thể phủ nhận sự nỗ lực tột bậc của Brazil để tổ chức Thế vận hội thành công nhất trong khả năng của họ, đặc biệt ở thời điểm nguy cơ khủng bố có thể bùng phát ở bất cứ đâu.

Về khía cạnh chuyên môn, không hẹn mà gặp, đây là kỳ Olympic cuối cùng trong sự nghiệp của rất nhiều huyền thoại. Ở lứa tuổi đã cao và không còn thực sự đủ thể chất, tinh thần để hướng tới Olympic Tokyo 2020, các siêu sao này đã “cháy hết mình” và tạo nên những dấu ấn đặc biệt. Trên đường đua xanh, siêu kinh ngư Michael Phelps (Mỹ) đã giành 5 Huy chương Vàng (HCV), 1 Huy chương Bạc (HCB) để hoàn thiện thêm bộ sưu tập thành tích khổng lồ của mình. Phelps quá vĩ đại, là vận động viên (VĐV) giàu thành tích nhất trong lịch sử Olympic và chắc chắn sẽ còn rất, rất lâu nữa mới có một VĐV có thể tiệm cận (chứ chưa nói san bằng hay vượt qua) các siêu kỷ lục của anh.

Trên đường piste, “tia chớp” Usain Bolt (Jamaica) đã một lần nữa giành trọn 3 HCV ở các cự ly chạy sở trường là 100m, 200m và tiếp sức 4x100m nam. Bolt đã khẳng định sẽ không xuất hiện ở Olympic tiếp theo và đây chính là lời chia tay ngọt ngào nhất của anh.

Không hạnh phúc được như Phelps hay Bolt, tay vợt cầu lông Lee Chong Wei (Malaysia) đến Rio với khát khao tột bậc, sau 2 lần chỉ giành HCB nội dung đơn nam trước đó. Dù đã hạ được đại kình địch Lin Dan (Trung Quốc) ở bán kết, nhưng tay vợt số 1 thế giới lại lỡ hẹn với tấm HCV khi để thua Chen Long trong trận chung kết. Đã 33 tuổi, đây chắc chắn là một trong những ký ức buồn với Lee Chong Wei./.

Tuyết Sơn | 06:00 22/08/2016
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục