Barcelona: Khi không cần Tiki-taka nữa

19:42 Thứ hai 23/04/2012

Vậy thì Barcelona sẽ còn lại “pháp thuật” nào để giải bài toán phòng ngự kỵ dơ Chelsea? Với việc Chelsea vẫn sẽ trung thành với cách chơi như ở sân nhà Stamford Bridge, Tiki-taka không cho thấy nhiều hữu dụng. Chelsea chắc chắn sẽ không phiêu lưu tham gia vào trò chơi “giành quyền kiểm soát bóng” mà chỉ chú trọng việc “giăng tơ kết lưới” ở khu vực vòng 16m50 trên phần sân nhà.

Thực sự mà nói, Tiki-taka vẫn vô cùng lợi hại. Có điều, một đấu pháp dù có tuyệt chiêu cỡ nào thì việc vận dụng nó cũng là từ những con người bằng xương bằng thịt. Vấn đề ở đây chính là việc thể lực của các cầu thủ Barcelona hiện ở mức báo động đỏ và đa phần phải vừa thi đấu vừa gồng mình chống lại chấn thương. Điều này khiến cho việc triển khai các đường chuyền phối hợp trở nên thiếu sắc nét. Việc thực hiện các tình huống chạy chỗ chiếm lĩnh khoảng không hoặc làm xáo trộn đội hình đối phương cũng ngày càng khó khăn. Khi tốc độ luân chuyển bóng bị giảm đi thì cũng đồng nghĩa với chất lượng các đường bóng cũng giảm theo và đối phương sẽ không quá khó để “bắt bài”.

Chelsea đã tận dụng triệt để yếu điểm đó. Họ đã chứng minh được rằng: Muốn phá Tiki-taka thì chẳng cần phải chơi pressing cho tốn sức, cũng chẳng cần chơi rắn kiểu Mourinho cho tốn… thẻ phạt. Chelsea nghĩ ra cách thứ ba để phá Tiki-taka là… chẳng phá Tiki-taka nữa! Nó đơn giản chỉ là phòng ngự toàn diện trước vòng cấm địa và chờ đợi “thần may mắn”. Chiến thuật này đã mang lại sự thành công cho Chelsea, một phần nhờ vào sự “xuống cấp tạm thời” của Tiki-taka và một phần khác là dựa trên sự tập trung của các cầu thủ trong suốt trận đấu.

Barca cần phải chơi đa dạng hơn nữa - Ảnh Getty

Việc hàng thủ Chelsea đột nhiên cứng cáp trở lại là điều rất khó lý giải. Cũng những con người ấy nhưng dưới thời Villas Boas thì thi đấu hời hợt, ể oải, thiếu sức sống thì ngược lại dưới thời “kẻ đóng thế” Di Matteo thì lại trở nên cực kỳ tập trung, chặt chẽ và nhiệt tình đến lạ. Rõ ràng, thi đấu với Barcelona luôn là liều thuốc kích thích đặc biệt khiến các đội bóng luôn chơi tốt hơn so với khả năng có thể.

Hơn nữa, bên cạnh sự tập trung và kỉ luật cao, cách vận hành của hàng phòng ngự Chelsea có nhiều nét khác biệt. Theo đó, 9 cầu thủ chia làm 2 hàng giống như 2 lớp lưới đặt so le nhau. Để giữ vững cự ly, 2 hàng này tịnh tiến song song và chủ yếu di chuyển theo chiều ngang (trái-phải) hơn là chiều dọc. Trong phạm vi ngoài 30 mét trước khung thành Petr Cech, hàng thủ Chelsea để mặc cho Barca muốn làm gì thì làm. Nhưng khi bóng càng vào sâu hơn nơi trung lộ, Chelsea sẽ “kéo lưới” lên khiến không gian trở nên cực kỳ chật hẹp cho các pha bật tường và đan chéo. Nếu Xavi điều phối bóng sang phải, Chelsea kéo lưới sang bên phải và ngược lại nếu bóng được điều sang cánh trái thì lưới lại tự động giăng sang bên trái.

Với chiến lược “khôn ngoan” đó, Tiki-taka chẳng thể lôi kéo được đội hình Chelsea giãn ra để có thể tận dụng sự mất cân đối của đối phương để tung những đường câu bóng hay xẻ bóng hay các pha thoát xuống bất ngờ. Việc kiểm soát 80 hay 90% bóng sẽ chỉ là một con số vô nghĩa nếu như không thể tạo ra được những tình huống hàng thủ đối phương rối loạn và mất cân bằng. Xavi, Iniesta, Fabregas, Busquets có thể tự do ban bật ở khu giữa sân mà gặp rất ít sự truy cản. Nhưng điều này… chỉ tốn thời gian!

Messi nên trở về cánh phải để có chỗ cho số 9 đích thực?

Ở trận thua Chelsea trên sân Stamford Bridge, cơ hội mà hàng công Barca tạo ra không phải là ít. Vấn đề chỉ là nó không đủ nhiều để bù trừ vào khả năng dứt điểm kém. Trông đợi hoàn toàn vào các cơ hội từ Tiki-taka là điều không dễ. Vì thế, Barcelona nên tạm thời “gác” Tiki-taka sang một bên và đa dạng hóa các phương án tấn công, đặc biệt là các đường bóng biên để tạo ra cơ hội (dù nhỏ) càng nhiều càng tốt. Nếu khu trung lộ bị “bóp nghẹt” thì nên mạnh dạn đẩy bóng sang 2 biên để thực hiện các đường căng ngang vào hay các pha trả bóng ngược về cho tuyến hai băng lên. Các quả tạt cánh tốc độ cao không cần phải có sự nắn nót mà chủ yếu là tốc độ và tầm bay của bóng và quan trọng là nên thực hiện liên tục từ cả hai cánh. Nó có thể sẽ khiến đội hình phòng ngự đối phương bị lung lay vì quá trình cản bóng và khống chế bóng rất phức tạp và dễ nảy sinh sai lầm.

Messi là một siêu nhân nhưng việc xây dựng lối chơi hoàn toàn dựa dẫm vào anh không phải lúc nào cũng hiệu quả. Tại sao Guardiola lại không thử một lần trả Messi trở về với cánh phải- vị trí khởi nghiệp của anh- để tận dụng tốc độ trong các đường bóng biên. Và qua đó tạo ra một cách vận hành mới cho đội. Việc ra biên của Messi chắc chắn sẽ thu hút hàng phòng ngự Chelsea về hướng đó và có thể sẽ tạo ra nhiều không gian hơn cho phần còn lại. Hơn nữa, để tạo đột biến hơn cho các pha bóng biên thì trong mỗi pha bóng cần phải có ít nhất 2 người để “biên chồng biên”, tránh tình trạng chỉ có một cầu thủ đơn độc.

Tất nhiên, Barcelona cần phải có sự linh hoạt trong chiến thuật khi tùy thời điểm có thể luân phiên giữa tấn công trực diện trung lộ và tấn công biên. Nhưng muốn tấn công biên thật sự hiệu quả thì đòi hỏi phải có một số 9 đúng nghĩa. Sự thiếu vắng David Villa khiến Barca mất đi một số 9 thực thụ, vì thế cần phải nhanh chóng thức tỉnh bản năng săn bàn của số 9 “ảo” Fabregas. Và nếu Fabregas không thể lấy lại được sự tinh tế trong các pha băng vào vòng cấm thì nên thử nghiệm Alexis cho vị trí này.

90 phút ở Nou Camp chắc chắn chỉ là nơi để Barcelona làm thế nào phá được lớp lưới đôi phòng ngự của Chelsea. Việc chăm chút tỉ mẫn cho một tình huống có lẽ sẽ không hiệu quả bằng việc thực hiện càng nhiều càng tốt các đường bóng với nhiều hình thức khác nhau và từ nhiều hướng vào sâu khu vực cấm địa. Bóng càng lẩn quẩn trong khu vực này thì xác suất nảy sinh sai lầm càng lớn. Đó cũng là 90 phút để “cứu rỗi bóng đá” và “vì lợi ích bóng đá” (chữ dùng của cựu thủ môn M.U Van De Sar). Thử nghĩ xem, nếu một mai Barcelona cũng gia nhập lối đá “9 người phá bóng” thì người hâm mộ sẽ thưởng thức cái gì trên sân nữa?

..........

Nỗi “day dứt” Liga cuối cùng đã chấm dứt. Đây là lúc để dốc toàn lực cho cuộc chiến châu lục. Khó khăn là điều hiển nhiên nhưng hoài nghi và hoảng sợ không phải là thói quen của đội bóng xứ Catalan. Mấy ai nghĩ rằng, Arsenal- một đại diện tiêu biểu khác của bóng đá tấn công- có thể xé nát hàng phòng ngự kiểu Ý của AC Milan tới 3 lần, khi mà cách đó không lâu chính hàng thủ ấy đã “bóp chết” mọi ý tưởng tấn công của Arsenal từ trong trứng nước. Ở đây, lại thấy Nou Camp chính là miền đất lành để hàn phục những hàng thủ cứng cựa nhất.

Chelsea chắc chắn sẽ không thể bịt hết mọi ngã đường tới khung thành Petr Cech. Và vì thế, vấn đề còn lại là các cầu thủ Barcelona sẽ tận dụng được bao nhiêu cơ hội từ nhỏ tới lớn? Tin rằng, nếu Chelsea không gặp quá nhiều may mắn như những gì họ được “hưởng” gần đây từ Premier League cho tới Champions League thì Barcelona hoàn toàn có thể trả được món nợ thua cuộc ở lượt đi.

Đường tới Munich không xa lắm, phải không Barcelona?

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

MessY Phan | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục