Bao giờ bóng đá Việt có những Jordi Alba?

01:27 Thứ năm 02/08/2012

Một suy ngẫm có thể sẽ xuất hiện khi theo dõi bóng đá nam tại Olympic, không phải là bao giờ bóng đá VN mới được tham dự ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh mà bao giờ thì chúng ta mới có thể sở hữu những cầu thủ trẻ tuổi đời nhưng lại chững chạc về chuyên môn, dù nó không nhất thiết phải ở tầm châu lục hay thế giới?

Đại Đồng

LẤY ĐÂU RA JORDI ALBA GIỮA LÒNG BÓNG ĐÁ VIỆT?

Một trong số khá nhiều những gương mặt được kỳ vọng sẽ tỏa sáng tại Olympic London 2012 là Jordi Alba, hậu vệ cánh trái vừa đăng quang ngôi vô địch EURO 2012 cùng ĐT Tây Ban Nha.

Nếu quay ngược thời gian trở về hơn nửa thập kỳ trước, có lẽ Jordi Alba không bao giờ dám mơ rằng đến năm 23 tuổi, anh sẽ bước lên đỉnh châu Âu cùng ĐT Tây Ban Nha. Lý do khá đơn giản, năm 2005 khi Alba mới 16 tuổi, anh bị chính Barcelona thải hồi vì không đáp ứng được yêu cầu của lò đạo tạo trẻ La Masia danh tiếng. Đó là cú sốc đủ để chôn vùi sự nghiệp của 1 cầu thủ hãy còn măng sữa.

Bước tiếp theo trong sự nghiệp của Alba khá trầm khi anh gia nhập đội hạng Tư Catalan UE Cornella, CLB có sân thi đấu với sức chứa vỏn vẹn 1.500 chỗ ngồi. Và cho dù chỉ đá ở đây 2 mùa giải, giờ Catalan UE Cornella vẫn xem Jordi Alba là biểu tượng của đội bóng vì trong lịch sử của nó (thành lập năm 1951) chưa từng có cầu thủ nào nổi tiếng đến thế.


Năm 2007, Alba chuyển sang Valencia với mức phí bèo bọt 6.000 euro, và 5 năm sau, Valencia thu về hơn 2.000 lần con số đó bằng mức giá chuyển nhượng 14 triệu euro cho Barca mới đây. Nhưng đà thăng tiến của Alba thì không dễ dàng như vậy, trong suốt mùa giải 2008/09, anh lại bị đem cho đội hạng Ba Gimnastic mượn và chỉ bắt đầu được để ý đến ở 2 mùa sau đó khi trở lại Valencia.

Nỗ lực của Jordi Alba từ giải hạng Tư đến màu áo ĐT Tây Ban Nha là rất đáng ghi nhận nhưng câu chuyện sau đây lại nói lên rất nhiều điều về nhân cách của anh.

Sau khi cùng tập thể do HLV Del Bosque dẫn dắt bước lên ngôi vô địch và được ghi nhận là một trong số những cầu thủ thi đấu tốt nhất của đội bóng ấy (ghi bàn nâng tỷ số lên 2-0 trong trận chung kết), Alba từ chối đặc quyền mà đương nhiên thuộc về anh: nghỉ ngơi. Anh muốn tiếp tục sát cánh cùng ĐT Olympic với hy vọng tiếp tục mang HCV về cho bóng đá Tây Ban Nha.

Một kỳ EURO tuyệt diệu, một bản hợp đồng với điều khoản giải phóng lên đến 90 triệu euro chuyển về CLB thần tượng Barca, có lẽ Alba, với tư cách cá nhân, cũng không cần thêm 1 chiếc HCV ở giải trẻ để làm lung linh thêm hình ảnh của anh.

Rõ ràng là ngay cả ở châu Âu, nơi cầu thủ nổi tiếng luôn đi kèm siêu xe và những cô bạn gái xinh đẹp, khát khao cống hiến và niềm tự hào được khoác lên mình màu cờ sắc áo tổ quốc, dù ở bất kể cấp độ nào, vẫn là một thứ giá trị mà người ta sẵn sàng hy sinh vì nó.

Thói quen của giới cầu thủ Việt Nam khi ngó sang các đồng nghiệp nước ngoài lâu nay là chỉ thường để ý xem họ đi xe gì, ở biệt thự ra sao, có giá trị chuyển nhượng kèm lương, thưởng bao nhiêu, và bạn gái... xinh hay xấu, chứ ít khi chịu tìm hiểu về con đường đã đưa những đồng nghiệp ngoại quốc nổi tiếng ấy đến với vinh quang và danh vọng.

NÊN NGẬM NGÙI VỚI ĐỨA TRẺ CHẬM LỚN

Thật ra, câu chuyện của Jordi Alba có ý nghĩa điển hình và đương nhiên không phải cầu thủ nào cũng làm được như thế. Theo chiều ngược lại, người ta cũng chứng kiến không ít tài năng được kỳ vọng từ khi còn rất trẻ song mãi không thấy lớn hoặc đánh mất mình mãi mãi. Vấn đề đối với bóng đá Việt Nam là điều vừa nhắc dường như khá phổ biến.

Cả 4 trung vệ từng tham dự SEA Games 25 giờ đang chật vật để tìm chỗ đứng ở CLB chứ chưa nói đến màu áo ĐTQG. Long Giang bị đẩy ra cánh phải tại Navibank Sài Gòn suốt mùa giải trước. Cuối năm 2011, hậu vệ người Tiền Giang mang theo hy vọng rất lớn tại SEA Games 26 với tư cách 1 “cựu binh” dày dạn kinh nghiệm sẽ trở thành chỗ dựa cho những đồng đội trẻ hơn; nhưng cuối cùng, màn thể hiện của Long Giang là con số không tròn trĩnh.

Minh Đức

Ở Thanh Hóa, Xuân Hợp ngồi dự bị suốt năm 2011 và lúc này, khi đã được sử dụng trở lại dưới thời HLV Triệu Quang Hà thì anh phải chấp nhận dạt ra biên trái. Đại Đồng nổi lên từ VCK U21 năm 2004, đã có lúc được xem là tài năng trẻ đầy triển vọng, từng là trụ cột ở Thép miền Nam – Cảng SG, nhưng không cạnh tranh được vị trí với cầu thủ đã ngoài 30 tuổi Tiến Dũng ở Hà Nội.T&T, chuyển sang CLB BĐ Hà Nội, chỗ ngồi quen thuộc của Đại Đồng giờ là ghế dự bị.

Đáng thất vọng nhất trong số 4 trung vệ của U23 VN từng tham dự SEA Games 25 là trường hợp của Minh Đức. Minh Đức thuộc lứa Thể Công 87 từng được đào tạo bài bản ở Đông Âu, nằm trong diện “gà nòi” để tiếp nối vào truyền thống hào hùng của đội bóng áo lính. Nhưng mỗi năm qua đi là mỗi lúc cái tên Minh Đức cứ dần chìm vào quên lãng từ Hòa Phát Hà Nội (cũ) và giờ là Becamex Bình Dương.

Không quá khó để tìm thấy những câu chuyện tương tự 4 cái tên vừa nhắc ở lứa cầu thủ sau họ vừa tham dự SEA Games 26 và nhìn rộng ra là mặt bằng bóng đá Việt.

Một trường hợp điển hình là tiền đạo Thanh Bình nay đang khoác áo Đồng Tâm Long An. Bình nổi lên từ rất sớm, khi mới 17 tuổi trong màu áo Cao Su Đồng Tháp năm 2003. Những mùa giải sau đó, anh không chỉ đóng vai trụ cột ở đội bóng xứ Bưng biền mà còn là gương mặt quen thuộc ở các cấp độ ĐT của ĐTQG. Nhưng càng ngày, tài năng trẻ hứa hẹn một thời lại càng thui chột, chật vật tìm chỗ đứng ở Hoàng Anh Gia Lai và bây giờ chìm lắng tại giải hạng Nhất.

Cơ chế sử dụng con người đặt trong hoàn cảnh sức ép về thành tích chỉ là bề nổi để giải thích cho sự “chột lớn” của các cầu thủ trẻ. Trên thực tế, tất cả những cái tên nêu trên và rất nhiều cầu thủ cùng trang lứa với họ đều đã từng được trao cơ hội để chứng tỏ, nhưng vấn đề là họ không thể nắm bắt nó.

Hệ quả là kể cả khi đã không còn trẻ về tuổi đời, khá nhiều cầu thủ vẫn đóng vai “tiềm năng lâu năm” và cơ hội nếu có đến phần nhiều là do duyên số hay may mắn. Những ví dụ về sự tỏa sáng như Thành Lương, Trọng Hoàng hay Văn Quyết, cạnh tranh vị trí sòng phẳng bằng năng lực thật sự của mình là quá hiếm hoi trên mặt bằng V.League nhiều năm qua.

Văn Quyết

Không thể đòi hỏi mỗi cầu thủ Việt đều sẽ là một Jordi Alba nhưng nếu cứ “chậm lớn” thế này, lấy gì đảm bảo chúng ta sẽ không đá như “trẻ con” với “người lớn”, giống như SEA Games 26 vừa rồi, tại các giải khu vực khi rõ ràng là tất cả các đối thủ đều đang tiến bộ hoặc trở nên mạnh hơn bằng cách “nhập khẩu” tài năng.

Một dẫn chứng khá sinh động về “tài năng” của các cầu thủ trẻ Việt Nam chính là thất bại thảm hại của ĐT U22 ở vòng loại giải vô địch U22 châu Á vừa diễn ra tại Myanmar. Ngoại trừ trận thua U22 Hàn Quốc là điều đã được dự liệu từ trước thì lứa cầu thủ được xem là nòng cốt cho SEA Games 27 ấy đều phơi áo bằng các tỷ số cách biệt trong những cuộc đối đầu với các đối thủ nếu không đồng cân đồng lạng thì cũng bị đánh giá thấp hơn là Malaysia và Myanmar, để rồi chấp nhận bị loại theo cách rất đáng thất vọng.

Một mệnh đề đã trở nên cũ kỹ nhưng chưa bao giờ “mất giá” là nhà vững từ móng, một ĐTQG mạnh được xây dựng dựa trên nền tảng là sự tiếp nối của các thế hệ cầu thủ tài năng. Trước khi Tây Ban Nha bước lên đỉnh châu Âu và thế giới, họ làm mưa làm gió ở các giải trẻ. Trước khi bước lên ngôi vô địch AFF Cup 2010, bóng đá Malaysia đã thành công trong việc tạo ra 1 lứa cầu thủ giàu sức cạnh tranh bắt đầu từ cấp độ tuyển trẻ (vô địch SEA Games 25 và SEA Games 26).
Vũ Minh | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục