Bài học nhỏ, chiến lược lớn

15:36 Thứ bảy 15/12/2012

Mấy ngày qua, giới thể thao bàn tán khá nhiều về lực lượng VĐV Việt Nam dự Đại hội Thể thao sinh viên Đông Nam Á lần thứ 6 khi Việt Nam góp mặt tới… 254 thành viên gồm 170 VĐV để dự tranh 12/17 môn thi đấu của đại hội. Theo nhiều người, đa số các VĐV của ta đều là tuyển thủ quốc gia mang “mác” sinh viên. Tiêu biểu như đoàn VĐV vừa dự giải vô địch thế giới Taekwondo đều sang Lào dự giải sinh viên. Xét theo điều lệ thì không sai bởi “sinh viên nào cũng là sinh viên” nhưng vẫn có một số chi tiết đáng suy ngẫm.

Nhà vô địch Judo Đông Nam Á Văn Ngọc Tú cũng có tên trong thành phần tham dự. ảnh: NGUYỄN NHÂN

Cách đây 2 năm, dù cũng đã cử lực lượng khá hùng hậu dự đại hội nhưng đoàn Việt Nam chỉ đứng hạng 4. Nếu như thể thao Việt Nam nói chung đang xếp nhất nhì Đông Nam Á thì việc thể thao sinh viên của ta kém hơn các quốc gia khác đã lộ rõ những khiếm khuyết của thể thao học đường. Xin nhớ là thành phần VĐV Việt Nam dự đại hội có khá đông các sinh viên của các trường đại học, cao đẳng TDTT, cũng là VĐV chuyên nghiệp. Vậy mà vẫn không thể hơn sinh viên nước bạn.

Lý giải cho điều này không khó. Các quốc gia như Thái Lan, Malaysia hay Singapore đều có VĐV “xịn” đồng thời cũng là sinh viên “xịn”. Đơn giản vì thể thao học đường, nhất là bậc đại học, phát triển rất mạnh nên thành phần VĐV quốc gia đa số xuất phát từ trường học. Tại kỳ SEA Games 2007 tổ chức ở tỉnh Nakhon, 2/3 địa điểm thi đấu nằm trong khuôn viên các trường đại học đủ để nói lên tất cả. Nghĩa là trước khi là VĐV họ đều là sinh viên trong khi ở Việt Nam thì ngược lại, đa số VĐV chỉ có thể theo học hệ tại chức. Vì lẽ đó, nếu không cử được VĐV chuyên nghiệp dự giải thì thể thao sinh viên của Việt Nam có lẽ chỉ đứng nửa dưới bảng xếp hạng.

Mô hình thể thao đỉnh cao lấy hạt nhân từ thể thao học đường vốn không mới mẻ, lại là xu thế hiện đại nhưng tại Việt Nam, mô hình này chỉ mới dừng ở ngạch tiểu và trung học cơ sở. Mảng quan trọng nhất là đại học thì hầu như là “vùng trắng”. Từ đó dẫn đến ngân sách nhà nước dành cho thể thao đỉnh cao lâm vào cảnh “càng nhiều thì… càng thiếu” và dấy lên phong trào “nhà nhà xây khu liên hợp thể thao” mà không có người sử dụng, trong khi quỹ đất thể thao trong các trường đại học hầu như không có.

Đây là vấn đề mang tính chiến lược lớn của ngành thể thao chứ không thể chỉ là giải pháp của ngành giáo dục.

Việt Quang | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục