Asiad “giá rẻ” thời khủng hoảng

12:21 Thứ hai 12/11/2012

Việt Nam vừa chiến thắng trong cuộc đua giành quyền đăng cai Asiad 18 năm 2019. Một Asiad được xem là rẻ nhất trong lịch sử khi mà với khoản kinh phí dự trù chỉ 150 triệu USD so với nhiều tỉ USD của các quốc gia khác nhưng vẫn được Ủy ban Olympic châu Á chấp thuận.

Nếu đúng với con số đề xuất trên thì đấy được xem là Asiad “siêu rẻ”. Bởi so với Asiad Quảng Châu (Trung Quốc) 2010 tiêu hết 19,63 tỉ USD và Asiad Incheon - Hàn Quốc 2014 sắp tới dù đã giảm nhiều nhưng đến nay ước tính là 1,62 tỉ USD, thì Hà Nội (Việt Nam) là kỷ lục trong thời bão giá và chưa tính đến trượt giá năm 2019.

Sở dĩ Asiad đang mất giá nặng như vậy là do tình hình kinh tế toàn cầu tiếp tục suy thoái chưa biết bao giờ gượng dậy được. Do đó, nhiều cường quốc châu lục từ Nhật đến Hàn Quốc lẫn khối các nước Ả Rập nhà giàu vua dầu mỏ đều không ham đăng cai đại hội thể thao lớn nhất khu vực. Một đại hội được kết luận là có tiếng cho các nước chủ nhà chứ không có miếng.

Trước đó vào năm 2007, khi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới mới bắt đầu, Ấn Độ cũng đã phải vội vàng rút lui trong kế hoạch tranh tổ chức Asiad 2014 với Incheon (Hàn Quốc). Trong lúc Hàn Quốc hứa sẵn sàng chi cho 45 đoàn VĐV châu Á mỗi đoàn 20 triệu USD làm chi phí qua Seoul luyện tập chuẩn bị, thì phía Ấn Độ thú thật giỏi lắm cũng chỉ “biếu không” cỡ 200.000 USD. Thế là Ấn Độ rớt đài trong cuộc đua này.

Lúc đấy, bộ trưởng Thể thao Ấn Độ thú thật tiền nhà nước được ưu tiên cho việc xây nhà ở cho cả tỉ dân nghèo trong nước hơn là chạy theo những vòng nguyệt quế thể thao vốn chưa cần thiết khi người dân Ấn Độ còn đang nghèo đói.

Nhưng đến nay tức còn hai năm nữa mới diễn ra Asiad 17 - 2014 thì Ấn Độ lại cho rằng trong cuộc đua thất bại đấy lại có cái may rất lớn cho quốc gia mình.

Đại diện TP Incheon của Hàn Quốc nhận cờ đăng cai Asiad 2014.
Sân vận động chính phục vụ cho Asiad 2014 chưa sử dụng nhưng đến nay đã là tranh cãi không nhỏ của Hàn Quốc về việc gánh nợ dù Asiad còn hai năm nữa mới diễn ra. Ảnh: GETTY IMAGES

Trong khi Ấn Độ vừa tính gần (từ chối) vừa tính xa (lo cho dân và lo tình hình kinh tế khó khăn) thì TP Incheon của Hàn Quốc sau Asiad 2014 giờ đang… mắc nợ đến hơn 2,66 tỉ USD vì Asiad! Nguyên do có quá nhiều sân bãi cần phải xây mới (23 điểm) hoặc nâng cấp (26 điểm). Đó là chưa kể 54 địa điểm tập luyện hút biết bao nhiêu tiền bạc đổ vào. Trên 6.000 công nhân bị nợ lương đầm đìa khiến một số công trình xây dựng sân bãi lập tức bị ngưng trệ trong đó có sân vận động trung tâm 61.000 chỗ ngồi - nơi làm lễ khai mạc và bế mạc Asiad. Tất cả đều phải do thành phố gánh vác trách nhiệm giải quyết 78,9% chi phí còn chính phủ chỉ chia bớt 19% (tư nhân góp 2%) theo thỏa thuận từ trước giữa đôi bên.

Từ đó, trong nước đã có lời kêu gọi hủy bỏ dự án này, thay vào đó dùng một sân cũ từng sử dụng trong World Cup 2002. Thậm chí, các tổ chức tranh đấu dân sự còn yêu cầu Incheon… rút lui trả quyền đăng cai Asiad để tránh rơi vào thảm họa … phá sản!

Trong khi đó thì các đại diện của Ấn Độ thừa nhận rằng họ may mắn khi thất bại trong cuộc đua giành quyền đăng cai Asiad 17 - 2014 vì những khó khăn về kinh tế và vì sự đói nghèo của người dân đi ngược với những hào quang cùng sự hoành tráng mà lịch sử Asiad đã mang đến.

Nên nhớ, trong lịch sử từng xảy ra hai vụ chủ nhà từ bỏ “quyền làm chủ” cũng vì lý do tài chính “lủng túi” là Hàn Quốc năm 1970 và Pakistan năm 1978 khiến Thái Lan phải nhảy ra “cứu bồ” cả hai lần trên.

Bài học từ các quốc gia trên hẳn cũng giúp cho những nước đăng cai rút ra nhiều kinh nghiệm trong quá trình đăng cai đại hội thể thao lớn nhất châu Á.

“Vì sao TP Cao Hùng (Đài Loan) lại bỏ cuộc? Vì sao UAE có tiềm lực tài chính như thế đã xin rút lui phút chót? Trước đó, nhiều nước khác như Malaysia cũng không tham gia cuộc đua đăng cai? Rõ ràng là các quốc gia và vùng lãnh thổ này đã nhìn thấy những khó khăn trước mắt của nền kinh tế nên họ không dám mạo hiểm đầu tư cho một kỳ Asiad rất tốn kém. Khi nhận đăng cai và được chấp thuận, chúng ta buộc phải thực hiện đúng cam kết với Ủy ban Olympic châu Á (OCA). Ngoài ra còn một vấn đề quan trọng khác của nước chủ nhà đó là ngay từ thời điểm này, ngành thể thao phải xin Chính phủ một chương trình đào tạo VĐV gấp rút nếu không sẽ quá muộn. Tại SEA Games 22, chúng ta cũng phải chuẩn bị đội ngũ VĐV mất gần 10 năm và tại Asiad ở đẳng cấp lớn hơn mà chỉ có bảy năm là quá ngắn. Với Trung Quốc dù đã là cường quốc thể thao châu Á nhưng thời gian chuẩn bị của họ cho Asiad Quảng Châu 2010 cũng kéo dài hơn 10 năm...”.

Ông NGUYỄN HỒNG MINH, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao Việt Nam

Nợ xấu sau các kỳ đại hội

● Tổ chức Olympic Mexico 1968, quốc gia này từng phải mất 30 năm để trả nợ sau kỳ đại hội.

● Olympic Athen (Hy Lạp) năm 2004 đã trở thành gánh nặng và là một trong những nguyên nhân khiến quốc gia này những năm sau đó bị vỡ nợ.

● Trung Quốc lên kế hoạch tổ chức Olympic Bắc Kinh 2008 khoảng 22 tỉ USD nhưng thực tế con số thực chi lại lên gấp đôi.
Văn Huy | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục