Andy Murray, từ Wimbledon đến Olympic: Khi nỗi đau trở thành động lực

10:58 Chủ nhật 22/07/2012

Hai tuần trước, anh đã ở rất gần đỉnh vinh quang nhưng rồi vẫn phải gạt lệ về nhì sau thất bại trước đàn anh Federer ở trận chung kết Wimbledon. Và bây giờ là Olympic, nơi Murray đang quyết tâm phục hận.

Andy Murray - Ảnh Getty

Những giọt nước mắt của Murray tại sân trung tâm khi ấy là quá đủ để mô tả nỗi thất vọng của anh cũng như hàng triệu người hâm mộ xứ sương mù. Trong khi Federer phá kỷ lục của chính mình với danh hiệu Grand Slam thứ 17 thì Murray lần thứ 4 gục ngã ở chung kết một giải đấu lớn, và cơn khát của nước chủ nhà đã kéo dài suốt 76 năm. Lịch sử từng chứng kiến sự sa sút của những kẻ về nhì như Marcos Baghdatis, Fernando Gonzalez, Tsonga, Soderling (nam) hay Safina, Wozniacki (nữ) nên các fan quần vợt xứ sương mù rất sợ Murray cũng theo vết xe đổ ấy.

Thật ra, trước khi lật đổ được trục quyền lực Nadal - Federer, Djokovic cũng trải qua một thời gian dài thất vọng, và đó sẽ là một động lực cho Murray, tay vợt nam xuất sắc nhất của Vương quốc Anh kể từ sau huyền thoại Fred Perry. "Việc Olympic đến ngay sau Wimbledon là một điều tốt cho tôi. Nó giúp tôi có thêm động lực trên sân đấu, và không có nhiều thời gian gặm nhấm nỗi đau thất bại nữa", Murray khẳng định. Tay vợt người Scot chỉ nghỉ ngơi 4, 5 ngày rồi trở lại sân tập ngay lập tức, và hiện tại anh đang khá hài lòng với những cú quả của mình.

Môn quần vợt tại Thế vận hội sẽ khởi tranh từ ngày 28/07 tới, và với Murray, đó không chỉ là cơ hội đòi món nợ sau thất bại trước Federer hai tuần trước mà còn là dịp để anh phục hận sau thành tích tồi tệ 4 năm trước tại Olympic Bắc Kinh. Năm ấy, Murray đã gây thất vọng tràn trề khi bị đối thủ dưới cơ người Đài Loan Lu Yen-hsu loại thẳng cánh từ vòng một. Ngay sau đó, anh và ông anh trai Jamie Murray cũng bị loại nốt ở vòng 2 đôi nam. Ở giải đấu năm nay, sau khi Nadal không thể bảo vệ HCV vì chấn thương, Murray là hạt giống số ba, sau Federer và Djokovic. Anh cũng sẽ tiếp tục đánh đôi cùng Jamie Murray.

Những ám ảnh quá khứ đương nhiên không dễ quên đi, nhưng Murray tin rằng sự cổ vũ động viên hết mình của khán giả nhà sẽ giúp anh có được nghị lực lớn để vượt qua. "Vài ngày sau thất bại ấy, tôi không hề đọc báo hay xem TV, nhưng tôi đã nhận được rất nhiều lá thư trước cửa nhà, từ hàng xóm, gia đình, bạn bè. Cả những thông điệp từ ngài Gordon Brown (cựu thủ tướng Anh) nữa. Tất cả những sự động viên ấy đã giúp tôi nhanh chóng trở lại sân tập với sự quyết tâm tuyệt đối cho TVH", anh tâm sự.

HCV dĩ nhiên là mục tiêu hàng đầu của Murray, nhưng anh cũng không đặt áp lực lớn quá, khi khẳng định rằng được đứng trên bục podium đã là thành công, bất kể tấm huy chương màu gì. Khi tham dự Grand Slam và bị loại vào bán kết, đó là một nỗi thất bại và những chỉ trích sẽ xuất hiện ngay lập tức, còn ở Olympic, nếu thua ở bán kết, các tay vợt còn cơ hội trong trận tranh giải ba, và với một tấm HCĐ cũng đã là thành công.

Và mặc dù liên tục nhắc nhở rằng mình là người Scot chứ không phải người Anh như một số phóng viên đã nhầm lẫn, Murray thừa nhận việc đại diện cho Vương quốc Anh vẫn mang đến một tinh thần màu cờ sắc áo đặc biệt mà các giải ATP không thể có. Đó cũng là một động lực lớn về tinh thần đối với anh.

Phương Chi | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục